Theo chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh 2024, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Tại hồ sơ dự án Luật có một nội dung liên quan đến việc kinh doanh dược phẩm, cụ thể: “Các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử (TMĐT) thông qua: Website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương (không được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến)”.
Trên thực tế, hiện nay, hình thức bán thuốc, thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội và livestream trở nên phổ biến. Vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến tranh luận của người tiêu dùng, trong đó đa số đồng tình với việc cấm bán thuốc qua mạng xã hội, livestream.
Liên quan đến đề xuất này trong dự án Luật, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế cho biết, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh mua thuốc là phải theo đơn thuốc, các nhà thuốc ngay cả các nhà thuốc bán tự do cũng có sự quản lý của ngành y tế, quầy thuốc tuân thủ theo quy định, có hệ thống GMP (thực hành sản xuất tốt – PV), khi mua thuốc thì phải theo đơn của bác sĩ.
“Quầy thuốc hiện nay đã nối mạng ở toàn quốc, cho nên các quầy thuốc khi bán thuốc theo đơn thì đã có sự quản lý tập trung”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, nếu bán thuốc livestream qua mạng tức là vận chuyển đến nhà theo hình thức giao hàng, như vậy hình thức vận chuyển, bảo quản thuốc không phù hợp với tiêu chuẩn, không đảm bảo ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
“Tôi cho rằng, theo đề xuất của Bộ Y tế cấm bán thuốc theo hình thức livestream là đúng. Bởi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định bệnh nhân sử dụng thuốc phải có đơn của bác sĩ tiêu chuẩn về chuyên môn. Cùng với đó, khi bán thuốc thì hệ thống quầy thuốc có sự quản lý, theo dõi của Bộ Y tế. Thêm vào đó, theo nguyên tắc bệnh nhân cũng không thể tự nghe livestream rồi tự mua thuốc về uống, uống thuốc là phải có kê đơn”, ông Hiệp nói và nhấn mạnh thêm riêng đối với thuốc thì không phù hợp bán livestream.
Còn theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), thương mại điện tử là xu thế, hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua có hiện tượng lộn xộn, bát nháo ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc và niềm tin của nhân dân. Theo đại biểu, tình trạng lộn xộn trên cũng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.
Về quy định cấm bán dược phẩm trên mạng xã hội, livestream trực tuyến trong dự thảo luật Dược, ĐBQH Anh Trí bày tỏ rất tán thành. Bên cạnh đó, ông cho rằng, khi sửa đổi phải có tầm nhìn xa hơn bởi có thể một thời gian nữa các hình thức bán hàng trực tuyến có thể phát triển mạnh mẽ, thay đổi rất nhiều.
“Chúng ta không cấm bán hàng qua mạng nhưng phải đưa vào khuôn khổ, trật tự, có quy định chặt hẽ, nghiêm ngặt bởi thuốc là liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân”, ông Anh Trí nhấn mạnh.
Là đại biểu công tác trong ngành y, ông Trí cho rằng đối với dược phẩm, thực phẩm chức năng khi thực hiện bán hàng qua mạng xã hội cần có quy định bắt buộc công khai địa chỉ, trụ sở kinh doanh rõ ràng. Trường hợp cần thiết, người dân có thể xem, trao đổi, mua bán, thậm chí đổi trả hàng.
Ông Trí đưa ra một dẫn chứng khi mua hàng qua mạng xã hội: “Tôi có mua một chiếc dao cạo râu điện trên mạng, khi nhận hàng tôi thấy họ đóng gói rất cẩn thận, nhưng khi sử dụng chỉ được đúng duy nhất một lần phải vứt đi. Lúc liên hệ nhà bán hàng thì không thể liên lạc được. Các mặt hàng này có thể vứt đi, chấp nhận mất tiền nhưng đối với thuốc thì nếu người dân không tìm hiểu kỹ khi uống vào cơ thể sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe”.
Trong khi đó, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) cũng hoàn toàn đồng ý trước đề xuất của cơ quan soạn thảo liên quan đến quy định cấm bán dược phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến.
Bà Lan cho rằng, thuốc là hàng hóa đặc biệt, không thể tự do mua bán. Đồng thời, nếu bán trên mạng xã hội và livestream sẽ khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng. Tuy nhiên, có cấm triệt để tình trạng trên được hay không thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng.
Theo Bộ Y tế, việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử rất mới, trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số, cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ hoặc các công ty, mở ra thị trường mới, quảng bá sản phẩm và mở rộng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặc dù nội dung này chưa được quy định tại Luật Dược năm 2016 nhưng theo Bộ Y tế, thực tế đã xuất hiện rất nhiều các trang thương mại điện tử bán thuốc. Do đó, cơ quan này cho rằng cần xây dựng hành lang pháp lý để tránh khoảng trống.
Tại dự thảo luật, Bộ Y tế đề xuất bổ sung vào Điều 42 Luật Dược 2016 quy định “các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương đáp ứng điều kiện kinh doanh dược”. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh dược không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến.
Ngoài ra, Điều 76, Điều 78, Điều 79 Luật Dược hiện hành quy định, các nội dung thông tin thuốc, quảng cáo thuốc phải được cơ quan quản lý phê duyệt. Thực tế, số lượng hồ sơ quảng cáo, thông tin thuốc rất nhiều, làm tăng thủ tục hành chính phải giải quyết cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Từ cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc (trừ trường hợp quảng cáo thuốc theo phương tiện tổ chức hội thảo, hội nghị, sự kiện giới thiệu thuốc).
Ngoài ra, việc quảng cáo thuốc thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo thuốc (người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo) phải chịu trách nhiệm về các thông tin do mình cung cấp.