Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 19/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Cà Mau trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần vào thành tựu chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.
Năm 2023, Tỉnh đã hoàn thành 18/19 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra, trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,83%, thu nhập bình quân đầu người tăng 13%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 4,2%; thu hút khoảng 2 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 18% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ 72%; đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh và tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Festival tôm Cà Mau, công bố Quy hoạch tỉnh, Hội nghị xúc tiến đầu tư.
Tuy nhiên, Cà Mau vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như: hạ tầng giao thông, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập; hạ tầng xã hội, hạ tầng số còn khó khăn; là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là về thị trường, nguồn vốn, tiếp cận tín dụng; giảm nghèo chưa bền vững; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn.
Mở rộng Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau với quy mô lớn hơn
Về một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Cà Mau tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn và chịu tác động của biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở thường xuyên xảy ra.
Cà Mau cần lưu ý một số trọng tâm công tác sau:
Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 – 2025; Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo bước đột phá phát triển toàn diện kinh tế – xã hội.
Phát triển nhanh hơn, bền vững hơn dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, năng lượng, thương mại điện tử. Phát triển năng lượng tái tạo, mở rộng Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau với quy mô lớn hơn. Phát triển du lịch dựa vào con người, văn hóa, thiên nhiên, thương hiệu Đất Mũi phương Nam; phát triển công nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, đặc biệt là ngành tôm.
Khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, trong đó tập trung đầu tư, tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông như nâng cấp sân bay Cà Mau, xây dựng các tuyến đường cao tốc và phát triển đường thủy nội địa, đường hàng hải (cảng Hòn Khoai). Phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển
Tỉnh Cà Mau tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính và xếp hạng về chuyển đổi số.
Tiếp tục khẳng định khát vọng mạnh mẽ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiêm, đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.