Hà NộiDoanh nghiệp Trung Quốc sẽ tham gia làm đường sắt đô thị số 5 dài 39 km từ phố Văn Cao đến Hòa Lạc, mức đầu tư dự kiến hơn 65.000 tỷ đồng.
Sáng 18/1, Sở Giao thông Vận tải và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Trong Bản ghi nhớ, các bên liên quan thống nhất hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, tập trung vào hai dự án cầu Tứ Liên và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc có quy mô tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa với chiều dài 38,43 km (gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất), 21 ga và 2 khu depot.
Metro số 5 sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long. Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), metro số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc – Hòa Bình.
Phần lớn chiều dài metro sẽ chạy giữa các tuyến đường bộ hiện hữu, đoạn từ Liễu Giai đến Trần Duy Hưng chạy ngầm giữa đường nên có thể tiết kiệm chi phí, thời gian giải phóng mặt bằng. Hàng chục km của dự án đi nổi trên đại lộ Thăng Long cũng nằm ở giữa dải phân cách, ít phải làm cầu, hầm và không ảnh hưởng đến các công trình liên quan nên thời gian thi công sẽ được rút ngắn.
Metro Văn Cao – Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, phân kỳ hai giai đoạn, 2016-2020 và 2020-2030. Tuy nhiên, thời điểm triển khai giai đoạn 2016-2020 đã qua, nên mục tiêu là đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5 km, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên). Cầu Tứ Liên dự kiến dài 2,924 km, trong đó cầu chính dài 1 km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị gồm 9 tuyến chính và một tuyến nối các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài gần 420 km, trong đó có 75 km đi ngầm.
Cụ thể, tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi dài hơn 38 km; tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dài 35 km; tuyến số 2A Cát Linh – Hà Đông dài 14 km; tuyến số 3 Nhổn – Hoàng Mai dài 48 km; tuyến số 4 Đông Anh – Mê Linh dài 54 km; tuyến số 5 Văn Cao – Hòa Lạc dài 39 km tuyến số 6: Nội Bài – Tây Ngọc Hồi dài 43 km, kết nối với tuyến số 4; tuyến số 7 Hà Đông – Mê Linh dài 35 km; tuyến số 8 Hoài Đức – Gia Lâm dài 28 km. Đến nay, Hà Nội mới hoàn thành được 13 km tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông và đang thi công 12,5 km của tuyến số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội.
Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương của Trung Quốc (CPCG) được thành lập năm 1986, liên tục 9 năm nằm trong TOP 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Năm 2022, tập đoàn này xếp thứ 150 trên toàn cầu và 48 ở Trung Quốc, giữ ngôi vị doanh nghiệp tư nhân lớn nhất thế giới trong ngành công trình và xây dựng.
Võ Hải