Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, năm 2023, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 409 ca mắc Covid-19 theo hệ thống báo cáo của Bộ Y tế, 4.350 trường hợp theo dõi tại cộng đồng, không có ca tử vong.
Đặc biệt, trong năm 2023, toàn tình Thái Bình ghi nhận 1.327 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 585 ca nội sinh rải rác ở các huyện, thành phố. Tháng 10 và tháng 11 ghi nhận đỉnh số ca cao nhất với hơn 400 ca/tháng.
Theo đánh giá của ngành Y tế Thái Bình, số ca mắc sốt xuất huyết trong năm có sự gia tăng cục bộ ở một số khu vực; tăng cao so với năm 2022 và trung bình các năm gần đây. Tại các ổ dịch, qua điều tra đều xuất hiện muỗi, bọ gậy Aedes albopictus; các chỉ số côn trùng truyền bệnh, dụng cụ, vật phế thải ứ đọng nước ở mức cao; việc vệ sinh môi trường ở một số địa phương chưa triệt để…
Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết đã được kiểm soát song với đặc điểm của virus Dengue, véc tơ truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ, ngành y tế dự báo sốt xuất huyết có thể gia tăng trong năm 2024. Do đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, giám sát, xử lý ổ dịch ngay từ đầu năm nhằm hạn chế số ca mắc trong cộng đồng.
Ngoài ra, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cũng ghi nhận 29.475 trường hợp mắc/nghi mắc hội chứng Cúm; 810 ca mắc chân tay miệng; 19 ca mắc ho gà, 11 trẻ bị thủy đậu và 2 trường hợp liên cầu lợn, trong đó 1 trường hợp tử vong…
Để phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024; đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân, dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, tỉnh Thái Bình yêu cầu cơ quan chuyên môn xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm:
Covid-19, cúm gia cầm A/H5N1, cúm A, sốt xuất huyết Dengue, đậu mùa khỉ, Ebola, MERS-CoV và các bệnh truyền nhiễm khác.
Xây dựng hệ thống giám sát tập trung triển khai giám sát các bệnh truyền nhiễm mùa Đông – Xuân đặc biệt là dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, mùa lễ hội năm 2024, trọng tâm là Covid-19, cúm mùa, cúm gia cầm; bạch hầu, ho gà, sởi; tay chân miệng, tiêu chảy cấp; sốt xuất huyết, dại, đậu mùa khi xâm nhập.
Bảo đảm duy trì hoạt động của hệ thống đáp ứng nhanh, xử lý thông tin dịch bệnh tại các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến, các đơn vị để xử lý kịp thời, hiệu quả kể cả các ca bệnh, nghi bệnh, ổ dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các ổ dịch trọng điểm.
Cùng với đó tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành trong các hoạt động phòng, chống dịch và truyền thông tuyên truyền phòng, chống dịch…Tập trung xử lý các ổ dịch nguy cơ, hỗ trợ các tuyến trong hoạt động điều tra véc tơ truyền bệnh, vệ sinh môi trường và xử lý ổ dịch. Triển khai hoạt động tiêm chủng mở rộng tại địa phương…