Thừa cân, béo phì làm gia tăng tải lực lên bề mặt khớp, tăng thoái hóa của các tế bào sụn, khiến các triệu chứng của bệnh nặng hơn.
Thoái hóa khớp là rối loạn mạn tính làm tổn thương sụn và các mô xung quanh khớp. Đau là triệu chứng thường gặp nhất. Không chỉ gây khó chịu cho người bệnh, cơn đau kéo dài còn có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc và một loạt các ảnh hưởng khác làm giảm chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Lê Nhật Thành, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cân nặng và thoái hóa khớp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhiều bằng chứng cho thấy thừa cân, béo phì làm thoái hóa khớp phát triển nhanh chóng, nặng thêm các triệu chứng bệnh. Khi thoái hóa khớp càng nghiêm trọng, người bệnh càng ít hoạt động thể lực do đau và biến đổi cấu trúc xương quanh khớp, tiếp tục dẫn đến tích tụ mỡ và tăng cân.
Khi không thể chịu được cơn đau, người bệnh phải phẫu thuật để giảm đau và cải thiện chức năng vận động. Song ca mổ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, theo bác sĩ Thành.
Theo bác sĩ Thành, hai cơ chế chính mà thừa cân, béo phì ảnh hưởng xấu đến các khớp, nhất là các khớp lớn chịu lực như khớp gối, là cơ sinh học và chuyển hóa.
Về mặt cơ sinh học, gia tăng tải lực lên bề mặt khớp do thừa cân làm tăng thoái hóa của các tế bào sụn. Các thụ thể cơ học ở khớp bị kích thích tiết ra nhiều chất trung gian gây viêm, dẫn đến đau, hình thành các gai xương và lâu dài làm trục chi bị vẹo lệch.
Ngoài ra, các nhóm cơ quanh khớp đóng vai trò như hệ thống giảm sốc, hấp thụ bớt lực truyền qua bề mặt khớp. Trọng lượng cơ thể quá lớn làm cho nhóm cơ này yếu đi.
Về mặt chuyển hóa, mô mỡ được chứng minh là cơ quan nội tiết, tiết ra nhiều chất trung gian gây viêm có hại cho cơ thể, có mối liên hệ với thoái hóa khớp. Lượng mỡ thừa càng lớn, tốc độ thoái hóa khớp càng nhanh và triệu chứng bệnh càng nặng.
Bên cạnh dùng thuốc giảm đau, kháng viêm để giảm nhẹ cơn đau, các bác sĩ thường khuyên người bệnh thoái hóa khớp thừa cân nên giảm cân, cụ thể là giảm mỡ và tăng sức mạnh các cơ quanh khớp. Nguyên tắc hàng đầu và cốt lõi để giảm cân là đảm bảo năng lượng nạp vào thấp hơn năng lượng sử dụng, ăn ít đi và vận động nhiều hơn.
Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên bổ sung chất dinh dưỡng có khả năng giảm viêm như axit béo omega 3, vitamin D, chất xơ thường có trong hầu hết cá (cá hồi, cá basa, cá hú…), ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt, rau củ, trái cây. Nên hạn chế thực phẩm chứa các chất béo xấu như mỡ động vật…
Người bệnh duy trì tập thể dục thể thao với cường độ vừa phải, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 3-5 ngày mỗi tuần. Sử dụng dụng cụ bảo hộ nếu cần thiết để tránh chấn thương. Các thói quen này giúp duy trì sự linh hoạt và ổn định của khớp, tăng cường sức mạnh cho các cơ hỗ trợ khớp.
Tập thể dục còn cải thiện sức khỏe tim và phổi, nhất là giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường – yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng. Một số môn thể thao thích hợp cho người bệnh thoái hóa khớp như yoga, nâng tạ nhẹ, đi bộ, đạp xe, bơi lội…
Dù chọn hình thức tập luyện nào, người bệnh cần lắng nghe cơ thể, vận động và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu cơn đau kéo dài hơn một giờ sau khi tập luyện, người bệnh nên giảm cường độ vận động và nghỉ ngơi nhiều hơn hoặc đến bác sĩ khám.
Phi Hồng