“Mình thực sự ngưỡng mộ Quang Hải vì sự dũng cảm khi quyết định ra nước ngoài thi đấu sau khi đã đạt được những thành tựu mà nhiều người mơ ước. Mình cũng rất tôn trọng sự kiên định mà Công Phượng đang thể hiện, hy vọng Phượng sẽ thành công hơn ở Nhật Bản”, Lương Xuân Trường chia sẻ trong tập mới nhất của chương trình podcast trên kênh YouTube cá nhân.
Cựu cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai nói về câu chuyện ra nước ngoài chơi bóng. Anh từng có thời gian tập huấn ở Arsenal, khoác áo CLB Gangwon và Incheon United ở Hàn Quốc và Buriram United ở Thái Lan. Xuân Trường không thành công và sớm chọn trở về Việt Nam thi đấu cho HAGL trước khi chuyển sang CLB Hải Phòng.
Tiền vệ sinh năm 1995 cho rằng việc cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài và đạt được thành công vang dội là chuyện “rất xa vời”. Dù vậy, theo Xuân Trường, bóng đá Việt Nam vẫn cần có nhiều hơn những cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng và các đồng nghiệp nên coi xuất ngoại là một mục tiêu.
“Trình độ chênh lệch và nhiều yếu tố thua thiệt khiến cho chúng ta vẫn còn rất tự ti nhưng nếu không dám đối diện với thực tại này chúng ta cũng không có nhiều lựa chọn khác hơn để vươn tầm bóng đá Việt Nam. Mình luôn hy vọng các cầu thủ hãy nắm lấy cơ hội ra nước ngoài nếu được trao vì đó là cách tốt nhất để sau này chính các bạn là người giúp bóng đá Việt Nam phát triển”, Xuân Trường nêu quan điểm.
Trường hợp cầu thủ Việt Nam mới nhất ra nước ngoài trải nghiệm là Hoàng Vĩnh Nguyên. Tiền vệ của CLB TP.HCM có cơ hội được sang tập huấn ở câu lạc bộ Cadiz – đang thi đấu ở La Liga (Tây Ban Nha). Sau 2 tuần ở đội trẻ của Cadiz, Hoàng Vĩnh Nguyên trở lại Việt Nam.
Xuân Trường dành những lời động viên cho đàn em, cho rằng Vĩnh Nguyên giỏi hơn anh và các đồng đội ở thời điểm được sang Arsenal tập huấn. Ở độ tuổi U23, việc ra nước ngoài có lợi cho Vĩnh Nguyên.
Việc không được thi đấu ở nước ngoài không phải vấn đề, bởi ngay cả môi trường trong nước, cầu thủ này cũng chưa cạnh tranh được suất ra sân thường xuyên ở CLB cũng như đội tuyển. Trải nghiệm môi trường tập luyện chất lượng cao hơn giúp Vĩnh Nguyên thu về nhiều kinh nghiệm hơn để có sức cạnh tranh lớn hơn khi trở lại Việt Nam ở độ tuổi 25-26.
“Vĩnh Nguyên chỉ đi có một mình. Vậy mà bạn vẫn dũng cảm kết nối, trao đổi, trò chuyện với các cầu thủ bản địa của đội. Nguyên có sự chủ động trong mọi thứ. Tất nhiên khi sang đó, bạn cũng có những khó khăn giống tụi mình. Đó là khó khăn về thể lực, chưa quen được với cường độ chơi bóng, rồi cũng chưa thích nghi được với đồ ăn phương Tây nữa. Nhưng, Nguyên vẫn cố gắng. Thậm chí bạn quyết tâm phải quay lại Tây Ban Nha để tập luyện và thi đấu trong quãng thời gian dài.
Vậy mới thấy hình ảnh của Nguyên nói riêng, hay của những cầu thủ thế hệ sau này có một sự mạnh dạn hơn nhiều so với tụi mình trước đó. Thời điểm của mình, việc cầu thủ ra nước ngoài tập luyện và chơi bóng vẫn còn khá ít. Đến bây giờ, việc này cũng chưa hẳn là nhiều. Một cầu thủ khi sang nước ngoài sẽ được báo chí chú ý nhiều, bởi điều đó đến giờ vẫn còn khá lạ lẫm.
Có thể nói, một cầu thủ khi sang nước ngoài không chỉ là đi cho cá nhân họ, mà còn mang theo cả một giấc mơ vươn tầm bóng đá Việt Nam. Những người đi trước chưa có ai thực sự thành công, vậy mà Vĩnh Nguyên vẫn dũng cảm bước tiếp, điều đó quả là đáng mừng với cầu thủ trẻ tuổi này”, Xuân Trường nói.
Theo cựu tiền vệ HAGL, câu chuyện những cầu thủ tiên phong xuất ngoại nhưng chưa thành công vẫn có ý nghĩa lớn trong việc rút ra bài học cho các thế hệ nối tiếp. Anh chỉ ra rằng ngay cả bóng đá Hàn Quốc trước khi có Park Ji-sung, Son Heung-min thành công rực rỡ ở châu Âu cũng cần những cầu thủ khác ít nổi bật hơn làm tiên phong và truyền cảm hứng.
“Ở Việt Nam mình thì hơi khác, chưa có một cầu thủ nào thực sự thành công khi sang nước ngoài chơi bóng nhưng không sao cả. Thất bại là mẹ thành công. Từ câu chuyện của những người đi trước, hy vọng Vĩnh Nguyên, hay sau này là thật nhiều cầu thủ khác nữa có thể rút ra bài học để hướng tới thành công khi ra nước ngoài thi đấu. Rồi biết đâu một ngày, bóng đá Việt Nam chúng ta cũng sẽ sản sinh ra một Son Heung-min siêu phàm“, Xuân Trường kết lại.
Hàn Phong