Danh sách các trường đại học thông báo xét tuyển bằng học bạ năm 2024, trong đó 12/39 trường bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh từ tháng 1:
Năm nay, nhiều trường đại học top trên vẫn sử dụng kết quả học bạ THPT để xét tuyển, song có điều kiện đi kèm chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào.
Trong đó, các trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM sử dụng điểm học bạ ở phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên học sinh phải xếp học lực giỏi ở các trường THPT chuyên, năng khiếu, thực hành sư phạm hoặc trong danh sách trường THPT do đại học này công bố.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công Thương TP.HCM cho biết, nhiều năm qua, đơn vị này khảo sát kết quả học tập của sinh viên qua các phương thức tuyển sinh. Trong đó, điểm chuẩn phương thức học bạ (cả năm lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12) từ 22 – 27 điểm và điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp THPT 18 – 25 điểm.
Theo đó, thí sinh xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tốt nghiệp tương đương thí sinh xét bằng phương thức học bạ. Xếp loại tốt nghiệp của 2 nhóm sinh viên trên trong giai đoạn 2019 – 2023 cũng khá tương đồng.
Cụ thể, với sinh viên đầu vào bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp xuất sắc là 0,21%; giỏi 6,56; khá 69,24%; trung bình 23,98. Với sinh viên được xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT, tỷ lệ trên lần lượt là xuất sắc 0,24%; giỏi 5,44%; khá 65,12%; trung bình 29,2%.
“Đây là bằng chứng cho thấy kết quả xét tuyển bằng học bạ THPT cũng tương tự như xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở trường Đại học Công Thương. Ở các trường khác, kết quả đối sánh này có thể khác.
Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh đến vai trò của quá trình học tập ở trường của sinh viên, sự chăm sóc người học, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cho đào tạo của nhà trường”, ông Phạm Thái Sơn nói.
Hà Cường