Năm thứ hai liên tiếp dân số giảm
Dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023, do tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và làn sóng tử vong do COVID-19 . Và điều này được dự báo sẽ có ảnh hưởng lâu dài sâu sắc đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế lớn số hai thế giới này.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tổng số dân ở nước này đã giảm 2,08 triệu, tương đương 0,15%, xuống còn 1,41 tỷ người vào năm 2023. Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm dân số 850.000 người vào năm 2022, và cao nhất kể từ năm 1961 đế nay.
Trung Quốc đã trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 mạnh mẽ trên toàn quốc vào đầu năm ngoái, sau ba năm áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ cho đến khi chính quyền đột ngột dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào tháng 12 năm 2022.
Tổng số người tử vong tính chung vào năm ngoái ở Trung Quốc đã tăng 6,6% lên 11,1 triệu người. Đây là tỷ lệ tử vong đạt mức cao nhất kể từ năm 1974. Số ca sinh mới giảm 5,7% xuống 9,02 triệu, khiến tỷ lệ sinh thấp kỷ lục trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, với chỉ 6,39 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với tỷ lệ 6,77 ca sinh vào năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh này vẫn cao hơn Nhật Bản với 6,3 trên 1.000 người vào năm 2022 và Hàn Quốc là 4,9.
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong nhiều thập kỷ do chính sách một con được thực hiện từ năm 1980 đến năm 2015 và quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong thời kỳ đó. Giống như những đợt bùng nổ kinh tế trước đây ở Nhật Bản và Hàn Quốc, một lượng lớn dân số đã di chuyển từ các trang trại nông thôn của Trung Quốc đến các thành phố, nơi việc sinh con tốn kém hơn.
Số lượng trẻ sơ sinh đã rơi tự do trong vài năm qua. Nhu cầu sinh con tiếp tục giảm sút vào năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao kỷ lục, tiền lương của nhiều nhân viên văn phòng giảm và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, nơi cất giữ hơn 2/3 tài sản hộ gia đình, ngày càng gia tăng.
Số liệu chính thức công bố hôm thứ Tư cho thấy Trung Quốc có số ca sinh vào năm 2023 ít hơn một nửa so với năm 2016, sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con. Con số mới nhất cho thấy tỷ lệ sinh – số con mà một phụ nữ có trong suốt cuộc đời của mình – gần bằng 1, một mức được các nhà nhân khẩu học coi là “cực thấp”.
Mối lo hiện hữu
Dữ liệu mới làm tăng thêm mối lo ngại rằng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới đang giảm dần do có ít người lao động và người tiêu dùng hơn, trong khi chi phí chăm sóc người già và phúc lợi hưu trí ngày càng tăng gây căng thẳng hơn cho ngân sách của chính quyền địa phương.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm ngoái. Về lâu dài, các chuyên gia của Liên hợp quốc nhận thấy dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều hơn gấp ba lần mức giảm so với dự báo trước đó của họ vào năm 2019.
Dân số Trung Quốc đang già nhanh hơn nhiều trong quá trình phát triển so với các nền kinh tế lớn khác. Báo cáo cho biết, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 2022, khi dân số nước này bắt đầu giảm lần đầu tiên, là khoảng 12.000 USD, chỉ bằng hơn 1/3 so với Nhật Bản khi nước này bắt đầu chứng kiến dân số giảm.
Tại Nhật Bản, quốc gia có dân số già, ngày càng có nhiều người cao tuổi ở lại lực lượng lao động, giúp duy trì số lượng lao động ổn định ngay cả khi dân số giảm. Bắc Kinh trong nhiều năm đã nói về việc tăng tuổi nghỉ hưu – một trong những mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn – nhưng đã nhiều lần trì hoãn động thái này.
Hiện nay, cứ 5 người Trung Quốc thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên, độ tuổi mà hầu hết người dân của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này, ít nhất là ở các thành phố, đã nghỉ hưu. Tỷ lệ người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên sẽ lần lượt là 30% và 41% vào năm 2050 và 2100, theo ước tính của Liên hợp quốc, dựa trên dữ liệu điều tra dân số năm 2020 của Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc lo ngại tác động mà “quả bom hẹn giờ nhân khẩu học” này có thể gây ra đối với nền kinh tế, khi chi phí chăm sóc người già và hỗ trợ tài chính ngày càng tăng có nguy cơ không được đáp ứng bởi số lượng người nộp thuế đang đi làm đang ngày càng thu hẹp.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã dự đoán hệ thống lương hưu ở dạng hiện tại sẽ cạn kiệt tiền vào năm 2035. Khi đó, số người ở Trung Quốc trên 60 tuổi – độ tuổi nghỉ hưu quốc gia – sẽ tăng từ khoảng 280 triệu người tới 400 triệu.
Xu hướng khó đảo ngược và chỉ số chứng khoán sụt giảm
Để khuyến khích sinh nhiều hơn, chính quyền địa phương đã thử mọi cách từ mai mối đến khuyến khích tiền mặt. Một quận của thành phố Vũ Hán năm ngoái đã trợ cấp cho các cặp vợ chồng sinh con thứ ba 10.000 nhân dân tệ, tương đương 1.395 USD, mỗi năm trong 6 năm đầu tiên của đứa trẻ.
Tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin hôm thứ Ba, các nhà nhân khẩu học Trung Quốc đang đề xuất cải cách hơn nữa các chính sách hỗ trợ sinh sản. Một số người hy vọng rằng có thể có nhiều trẻ em sinh ra vào năm 2024 trong thời kỳ bùng nổ sinh con sau đại dịch, hoặc vì mọi người mong muốn có con sinh vào năm Thìn, bắt đầu vào tháng Hai.
Điều này cũng được chia sẻ bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Dân số Trung Quốc. Tiến sĩ He Dan, giám đốc trung tâm này nói với tờ Global Times: “Mặc dù các thành phố đã ban hành một loạt… chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh con nhưng kỳ vọng của công chúng vẫn chưa được đáp ứng”.
Trong bối cảnh đó, thách thức kinh tế có thể sẽ tiếp tục. Hôm thứ Tư, Trung Quốc cho biết nền kinh tế của nước này đã tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái so với một năm trước đó, chậm hơn mức hơn 6% trước đại dịch, phản ánh lĩnh vực bất động sản èo uột và chi tiêu tiêu dùng yếu. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng vọt lên mức kỷ lục 21% vào năm ngoái, càng làm giảm ý muốn lập gia đình của những người trẻ.
Theo một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, một tổ chức trực thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, công bố vào cuối năm ngoái, trong những thập kỷ tới, số lượng trẻ sơ sinh ở nước này có khả năng giảm một triệu mỗi thập kỷ. Và theo nhà nhân khẩu học Chu Yun của Đại học Michigan (Mỹ) thì điều này rất khó thay đổi: “Như chúng tôi đã quan sát nhiều lần từ các quốc gia có mức sinh thấp khác, mức sinh giảm thường rất khó đảo ngược”.
Đáng lưu ý, chứng khoán Trung Quốc đã mất điểm sau sau khi dữ liệu dân số được công bố. Chỉ số Hang Seng Mainland Properties tại Hồng Kông giảm 4,9% xuống mức thấp nhất mọi thời đại, trong khi Hang Seng China Enterprises giảm 3,5%. Chỉ số Hang Seng giảm 3,4%, trong khi chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến giảm 1,1%.
Quang Anh