Nghị định 81 ra đời nhằm thay thế Nghị định 86 (ban hành năm 2015), theo tinh thần thực hiện chỉ đạo Nghị quyết số 19-NQ/TW (ban hành năm 2017), với yêu cầu “đến năm 2021 hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, GD-ĐT, giáo dục nghề nghiệp”. Tuy nhiên ở Nghị định 81, giải pháp được lựa chọn là để dành ra một năm học “chuyển giao”, nghĩa là học phí (HP) năm học 2021 – 2022 chưa tăng so với năm 2020 – 2021, dù các năm học trước đó vẫn tăng mỗi năm 10%. Từ năm học 2022 – 2023, theo khung lộ trình của Nghị định 81, HP đại học (ĐH) sẽ tăng mạnh, đặc biệt riêng với ngành y dược học phí tăng đến 71%; từ năm học sau đó mới giảm tốc độ tăng xuống còn từ khoảng 13 – 25%. Cái sự “chùng chình” ấy là hợp lý, bởi năm học 2021 – 2022 là khoảng thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng.
Vào thời điểm năm học 2022 – 2023, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát phần nào, các hoạt động kinh tế – xã hội đã quay trở lại nhịp sống bình thường. Các trường ĐH đều mong mỏi được áp dụng Nghị định 81, nhằm đảm bảo nguồn thu để chi trả cho các hoạt động thiết yếu, trong đó có khoản chi trả lương cho cán bộ, giảng viên. Tuy nhiên, một lần nữa Chính phủ đã thể hiện sự ưu tiên cho quyền lợi người dân khi ban hành Nghị quyết 165/2022/NQ-CP vào tháng 12.2022, đề nghị các cơ sở giáo dục công lập giữ ổn định mức HP năm học 2022 – 2023 bằng mức HP năm học 2021 – 2022. Như vậy, mức HP của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định suốt 3 năm học (2020 – 2021, 2021 – 2022 và 2022 – 2023).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù VN không đạt chỉ số đề ra về mức độ tăng trưởng kinh tế, đạt 5,05% thay vì 6,5%, nhưng đây vẫn là kết quả tích cực, đưa VN vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Theo lẽ thường, năm 2023 các trường ĐH công lập hoàn toàn có quyền quay trở lại thực hiện Nghị định 81, áp dụng cho năm học 2023 – 2024. Tuy nhiên, chính các trường ĐH cũng thấy rằng nếu như thực hiện đúng như Nghị định 81 cũng là bất ổn, sẽ nảy sinh tâm lý bức xúc trong người học và cha mẹ các em (HP các ngành sẽ tăng từ 38% đến trên dưới 50%, riêng ngành y dược sẽ tăng 93%).
Đến nay khi Nghị định 97 ban hành trong giai đoạn tất cả các trường ĐH đã tạm thu HP, có nhiều trường thu HP ở mức thấp hơn mức trần tối đa quy định nhà nước hơn chục triệu đồng nhưng vẫn quyết định không thu thêm để đảm bảo quyền lợi cho người học.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 97 đã giải quyết hài hòa lợi ích của người học và lợi ích của các cơ sở GD-ĐT. Đặc biệt, tinh thần vì lợi ích của người học đã được Nghị định 97 thể hiện rõ nét, đặc biệt với đối tượng học sinh phổ thông và mầm non. Theo yêu cầu cũ trong Nghị định 81 thì với các bậc học này, từ năm học 2023 – 2024 trở đi, HĐND các tỉnh/thành được phép điều chỉnh khung HP không quá 7,5%/năm. Nhưng với Nghị định 97, Chính phủ yêu cầu giữ ổn định mức thu HP các bậc học phổ thông và mầm non từ năm học 2023 – 2024 bằng mức thu của năm học 2021 – 2022.