Phát hành ngày 19.1
Sau 2 năm kiên cường ứng phó đại dịch Covid-19 và vững vàng vượt qua năm 2022 đầy biến động, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh mạnh mẽ trong một năm 2023 với những khó khăn, thách thức thậm chí còn lớn hơn giai đoạn trước đó. Một lần nữa, hình ảnh cây tre – tượng trưng cho bản lĩnh quật cường, kiên trung bất khuất mà uyển chuyển, linh hoạt của Việt Nam – lại hiển hiện không chỉ trong công tác đối ngoại mà trong mọi mặt của quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Việt Nam đã có một năm sôi động trong các hoạt động song phương lẫn đa phương, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một đất nước chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong đổi mới, hội nhập: Một Việt Nam năng động, đổi mới, hội nhập (Lê Hiệp); Hướng tới khát vọng hùng cường (PGS-TS Ngô Trí Long); Nền móng nhân dân cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (Việt Hưng)…
2023 cũng là năm chúng ta đã phát triển mạnh mẽ về chất trong quan hệ hợp tác với những đối tác chủ chốt, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn và các nước quan trọng trong khu vực. Điều này đã tiếp tục củng cố và tạo cho Việt Nam một Vị thế mới (Lê Hiệp phỏng vấn Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao); Sứ mệnh nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ (Lê Hiệp); Tầm vóc Việt Nam giữa thế giới đầy thách thức (Ngô Minh Trí)…
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy chia sẻ nhân dịp đầu năm mới với thông điệp Tình nguyện là sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm (Vũ Thơ). Cũng tinh thần dấn thân, nhiều bạn trẻ đã nỗ lực không mệt mỏi thực hiện những ước mơ, khát vọng của mình để “bản đồ” thế giới trong từng lĩnh vực đều có tên Việt Nam: 15 tuổi thực tập tại tờ báo của ĐH Harvard (Mỹ Quyên); Hành trình trở thành chuyên gia Liên Hiệp Quốc (Hà Ánh); Những chàng trai “vàng” trong làng bảo mật (Thúy Hằng); Điều đặc biệt từ chú chó robot cứu hộ đạt giải thưởng quốc tế (Bích Thanh)…
2024 là năm Giáp Thìn, trong giai phẩm đặc biệt này có chuyên đề Rồng trong văn hóa Việt, với những phân tích thú vị về hình tượng rồng Việt qua các thời kỳ: Chuyện rồng ngàn năm ở Hoàng thành Thăng Long (TS Ngô Vương Anh); Biểu tượng rồng thời Lý có tính dân chủ (Ngữ Yên); Biến đổi hình tượng rồng qua các thời kỳ (nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc); Người Hà Lan vẽ bản đồ rồng Việt Nam (Trinh Nguyễn); Những con rồng tai to (Lam Phong)…
Giai phẩm Thanh Niên Xuân còn có rất nhiều bài viết về văn hóa, đời sống… của các cây bút nổi tiếng:
Học tập suốt đời và thói quen đọc sách (Thanh Thảo); Xuân mới, “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” về chiếc đòn gánh (Lê Minh Quốc); Thời gian chờ tết (Tiến Đạt); Dòng sông độ lượng (Nguyễn Một); Nhà chụp hình Ngọc Chương – 70 năm dưới tán cây dầu đường Trần Quang Khải (Phạm Công Luận); Ông quản thủ thư viện trên vỉa hè Đà Lạt (Nguyễn Vĩnh Nguyên)…
Những ký sự đường xa hấp dẫn:
Đến làng Cana “hâm nóng” tình yêu vợ chồng (Duy Tính); Tới thành phố đỏ của xứ sở ngàn lẻ một đêm (Ngọc Mai); Hình bóng quê nhà ở Tây Ban Nha và Romania (Nguyễn Hữu Tài).
Và nhiều bài viết hấp dẫn, đa dạng, phong phú, đậm màu sắc tết Việt:
– Hành trình trở lại của những cuốn nhật ký (Đậu Tiến Đạt)
– Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư – “Cây đại thụ” văn hóa vững chãi qua trăm năm (Lê Công Sơn)
– Kinh lá buông, sách cổ quý giá của đồng bào Khmer An Giang (Trần Ngọc)
– Hành trình tới cực Bắc của Tổ quốc (Nguyên Hằng)
– Từ cánh rừng mãnh hỏa du trăm tuổi (Trần Đăng)
– Những người “giấu mặt” quyền lực sau các chuyến bay (Vũ Phượng)
– Người bán vé số dạo “sang chảnh” nhất Việt Nam (Như Lịch)
– Hành trình chinh phục tiếng Việt của nhà toán học Mỹ (Vũ Thơ)
* Má hồng phiên Gia Lạc (truyện ngắn của Nhụy Nguyên)
…