Giáo viên ghi sổ nhận xét để trút giận
Mặt tích cực của sổ ghi nhận xét là thầy cô cập nhật tình hình của lớp và giúp cá nhân vi phạm điều chỉnh hành vi, thái độ học tập hàng ngày. Dù vậy, cũng có giáo viên sử dụng sổ này như một cách bày tỏ sự tức giận về học sinh.
Một số phê bình thường được ghi nhận như: lớp không làm bài tập; em X, Y vô lễ với giáo viên; em C, D nói chuyện riêng, trêu chọc bạn trong giờ học; em G, H không mang sách giáo khoa… Đối với những vi phạm này, giáo viên có thể nhắc nhở học sinh khắc phục ngay, không nên chăm chăm đợi học sinh vi phạm là ghi vào sổ ngay.
Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm sẽ căn cứ vào sổ ghi nhận xét để đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh, thậm chí thông báo cho phụ huynh. Học sinh phải đón nhận sự “trừng phạt” từ giáo viên chủ nhiệm và gia đình. Vì thế, các em rất sợ những lời nhận xét tiêu cực. Thay vào đó, thầy cô nên tạo điều kiện học sinh nhận ra khuyết điểm và cố gắng sửa chữa.
“Vũ khí” trấn áp
Sổ ghi nhận xét học sinh trở thành “vũ khí” trấn áp học sinh của một số thầy cô thay vì là công cụ giúp giáo viên chủ nhiệm xây dựng một tập thể tích cực, thân thiện.
Trước đây, bản thân tôi là một giáo viên cũng từng phạm sai lầm khi hạ bút phê bình học sinh. Lúc bấy giờ, nữ sinh N.A phát biểu vài câu trong giờ học, khiến tôi không hài lòng. Cơn giận bùng lên, tôi mở sổ nhận xét, phê bình nữ sinh thiếu tôn trọng thầy. Một số học sinh khác trao đổi riêng tư, thiếu tập trung cũng bị tôi đưa vào danh sách đen.
Tiết học hôm đó nặng nề vì các em biết sẽ phải đón chờ sự trừng phạt từ thầy chủ nhiệm “khó tính”, không chấp nhận những vi phạm làm ảnh hưởng đến thứ hạng thi đua của lớp cũng như uy tín cá nhân. Khi rời lớp, tôi còn nhắn nhủ học sinh hãy đón chờ cách xử lý của thầy chủ nhiệm. Lớp học buồn hiu.
N.A sau đó tìm đến tôi xin lỗi và cho biết thầy chủ nhiệm đã phạt em đứng lên, ngồi xuống mấy mươi lần. Nữ sinh kể đôi chân em mỏi nhừ nhưng buồn hơn là thầy chủ nhiệm nhận xét N.A là “chưa được gia đình giáo dục tới nơi tới chốn”.
Tôi thấy mắt cay cay. N.A vốn là học sinh tôi từng chủ nhiệm năm học trước. Em học khá, tích cực nhưng hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn. Cha mẹ chia tay khi em còn nhỏ. Vì cha làm việc ở tỉnh xa nên N.A chỉ còn sớm hôm cùng bà nội.
Thiếu sự chăm sóc của mẹ nên N.A đôi lúc có lời nói, hành vi chưa tốt. Tôi cảm thấy buồn và hối hận vì lẽ ra tôi nên dành thời gian chia sẻ, trao đổi giúp em hoàn thiện hơn trong ứng xử với thầy cô, tôi lại “mượn tay” thầy chủ nhiệm kỷ luật em.
Còn T.T là một học sinh bị phạt cùng với N.A ngày hôm đó. Tôi đã phê vào sổ nhận xét rằng T. không ghi chép bài vào vở, mà chỉ lấy bút gạch dưới các đoạn văn trong sách giáo khoa. Giáo viên chủ nhiệm phê bình T. lơ là, thiếu chăm chỉ, vi phạm nội quy… Thầy chủ nhiệm phạt T. úp mặt vào tường trong tiết sinh hoạt cuối tuần.
Sau đó, T. giải thích với tôi vì em hiểu nhầm yêu cầu của thầy là mở sách ra theo dõi nên chỉ gạch dưới các ý quan trọng rồi mới ghi lại nội dung vào vở, chứ không phải lơ là. T. hé lộ cho tôi biết rằng em hay bị hạ canxi nên những lời trách mắng nghiêm khắc và hình phạt của thầy chủ nhiệm suýt làm em ngất tại lớp.
Từ đó về sau, tôi luôn cẩn trọng hơn khi ghi sổ nhận xét, dành thời gian quan sát, lắng nghe chia sẻ, giải thích của học sinh về những vi phạm. Những sai sót nào đã nhắc nhở, nhận thấy học sinh đã cố gắng khắc phục ngay, tôi không ghi vào sổ nhằm tránh gây áp lực lên các em và cả lớp.
Còn đối với những trường hợp nghiêm trọng đòi hỏi sự hợp tác nhiều mặt từ nhà trường, gia đình và học sinh, tôi sẽ trao đổi với thầy cô chủ nhiệm để tìm giải pháp giáo dục phù hợp nhất. Trong một số trường hợp đã ghi vào sổ, đã phê bình tại lớp, tôi vẫn thảo luận với đồng nghiệp để tránh không phê bình nhiều lần, không trách phạt nặng nề, tạo điều kiện cho các em khắc phục.
Tóm lại, những dòng ghi chép trong sổ nhận xét của lớp thật sự có giá trị khi nó góp phần chỉ ra phương pháp học tập, rèn luyện hạnh kiểm, chứ không phải là bản án “kết tội” học sinh. Quyển sổ này càng không phải là nơi thầy cô trút hết giận hờn vào các em để thỏa mãn tự ái cá nhân.