Theo khảo sát ngẫu nhiên của phóng viên Báo Lao Động vào ngày 16.1, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, có thể xuất hóa đơn mỗi lần bán.
Tại trạm xăng dầu Sông Hồng (số 68 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhân viên tại đây khẳng định có thể xuất hóa đơn đối với xe máy.
Đến cửa hàng xăng dầu Nam Trung Yên (đường Mạc Thái Tông, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), phóng viên cũng nhận được câu trả lời tương tự khi đề nghị xuất hóa đơn sau lần mua xăng đổ xe máy. Nhân viên tại cây xăng này hướng dẫn phóng viên quét mã QR để nhận được hóa đơn điện tử qua ứng dụng Zalo.
Trao đổi với Lao Động, ông Lưu Văn Tuyển – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – cho biết, khi triển khai Nghị định 123 của Chính phủ, Petrolimex xác định phải đi đầu trong việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng. Do vậy, chỉ trong 4 tháng, Petrolimex triển khai tại 2.700 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.
“Hóa đơn điện tử tại cửa hàng xăng dầu đảm bảo phát hành ngay sau từng lần bán hàng cho tất cả các khách hàng (kể cả khách hàng lấy hóa đơn và khách hàng không lấy hóa đơn); cuối ca bán hàng, cửa hàng lập bảng thống kê “Bảng Tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đối với khách hàng không lấy hóa đơn” và gửi cơ quan thuế” – ông Tuyển nói.
Theo vị lãnh đạo Petrolimex, hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp xăng dầu chần chừ chưa muốn thực hiện xuất hóa đơn sau mỗi lần bán với lý do chi phí cao, tốn nguồn lực doanh nghiệp. Song ông Tuyển cho rằng, đây không phải lý do để trì hoãn việc xuất hóa đơn điện tử.
“Nếu cửa hàng xăng dầu đã đầu tư cột bơm điện tử thì bản chất mỗi cửa hàng xăng dầu chỉ tốn khoảng 30 triệu đồng đã có thể phát hành hóa đơn sau mỗi lần bán. 30 triệu này khấu hao trong 5 năm, tính ra mỗi năm chỉ tốn khoảng 6 triệu đồng. Do vậy, việc có doanh nghiệp kêu tốn tiền trăm triệu để thực hiện phát hành hóa đơn, tôi cho rằng điều này là không có” – ông Tuyển nói.
Ông Tuyển nhận định, để phục vụ tốt cho việc phát hành hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán, quan trọng nhất phải đầu tư cột bơm điện tử. Nếu cửa hàng nào không có cột bơm điện tử mà vẫn dùng cột bơm cơ thì sẽ phức tạp hơn.
“Các doanh nghiệp cứ kêu chi phí lên mấy trăm triệu, thì không có chuyện đó. Các cửa hàng, điểm kinh doanh có cột bơm điện tử để xuất hóa đơn, còn cửa hàng kinh doanh không trang bị cột bơm điện tử mà vẫn sử dụng cột bơm cơ thì sẽ phức tạp hơn một chút. Họ sẽ phải đầu tư thêm một đầu lọc với giá 30-50 triệu đồng/cột bơm để đẩy dữ liệu từ cột bơm với hệ thống truyền dữ liệu.
Việc phát hành hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán, chúng tôi ghi nhận được sự ủng hộ từ khách hàng, các doanh nghiệp vận tải đường dài và các hãng taxi… Do vậy không có lý do gì để chần chừ trong việc xuất hóa đơn. Quan trọng nhất phải là quyết tâm của các đơn vị thương nhân nhượng quyền, thương nhân phân phối, cửa hàng xăng dầu” – ông Tuyển nhận định.