Tiểu thương Lê Thị Châu cho biết, bà kinh doanh mặt hàng quần áo may sẵn ở chợ đêm từ khi mới thành lập năm 2004. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây lượng khách đến chợ ngày càng ít, chỉ bằng 1/10 so với trước đây.
Theo bà Châu, trước đây những ngày thường bán từ 20 – 30 lượt khách hàng, cuối tuần tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. Khi đó khách hàng chỉ được đi bộ, từng người phải chen với nhau vào lựa quần áo. Còn giờ đây đường trống, xe chạy bon bon.
“Hiện nay, mỗi ngày chỉ bán được 1 – 2 khách hàng. Có khi 2 – 3 ngày liên tục dọn hàng ra ngồi bấm điện thoại đến giờ dọn hàng vào”, bà Châu cho biết thêm.
Cũng từng có thời gian doanh thu một đêm từ 15 – 20 triệu đồng, hiện tại, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thơ chỉ trưng bày quần áo xong, đứng trò chuyện đến hết thời gian lại dọn hàng về.
Bà Thơ cho biết, trước đây mỗi tuần nhập quần áo mới 1 lần nên mẫu mã luôn kịp với mốt thời trang. Còn hiện nay 2 – 3 tháng chưa có hàng mới nên mẫu mã càng bị lỗi thời, phải đắn đo giảm giá theo yêu cầu của khách hàng.
“Có ngày chỉ bán được 50.000 đồng. Chi phí mặt bằng và tiền điện hết 45.000 đồng, dư được 5.000 đồng. Vợ chồng tôi đã tính đến việc ngừng việc kinh doanh ở chợ đêm, về nhà mở sạp nhỏ bán để đỡ tốn chi phí”, bà Thơ cho biết thêm.
Cũng chịu chung cảnh buôn bán ế ẩm, chiều dọn hàng ra tối dọn hàng vào không một người mua hàng, bà Nguyễn Thị Năm cho biết bà từng nghe người thu tiền hoa chi chợ thông tin chợ đêm có thể dời về địa điểm mới ở bờ kè sông Kinh Cụt, cũng thuộc phường 1, TP Vĩnh Long. “Nếu về đó tôi sẽ không thống nhất vì đường đó rất vắng người đi. Ở đây kinh doanh đã khó huống gì dời về nơi đó”, bà Năm cho biết thêm.
Ngày 16.1, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đặng Văn Lượng – Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long – thông tin, chợ đêm phường 1 TP Vĩnh Long có 106 hộ tiểu thương, chợ hoạt động từ năm 2004 đến nay.
Theo ông Lượng, các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ đa dạng các mặt hàng như quần áo, giày dép, mũ bảo hiểm,… Nhưng hiện nay việc kinh doanh tại chợ này đang gặp khó. Đó là tình hình chung vì từ sau dịch COVID-19, kinh tế người dân gặp khó nên mọi người đều tiết kiệm chi tiêu, hạn chế mua sắm.
Cũng theo ông Lượng, khi chủ đầu tư dự án bàn giao lại UBND TP Vĩnh Long quản lý bờ kè sông Kinh Cụt, khi đó sẽ họp tiểu thương để đi đến thống nhất và lập đề án dời chợ đêm về đó.
“Mục đích của việc di dời chợ đêm TP Vĩnh Long là nhằm lập lại trật tự đô thị của TP Vĩnh Long và bảo đảm hoạt động của các cơ quan, trường học, cơ sở tôn giáo trên tuyến đường 19 tháng 8”, Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long cho biết thêm.