Doanh nghiệp từ chối dự án khai thác khoáng sản trúng đấu giá
Trong tháng 1.2024, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đồi Đại Bộ, thuộc P.Hoàng Tân và xã Bắc An (TP.Chí Linh) đối với Công ty CP An Bình 62.
Trước đó, ngày 21.7.2023, đại diện Công ty CP An Bình 62 đã tham gia đấu giá và trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực đồi Đại Bộ.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Sở TN-MT tỉnh Hải Dương thông tin, dự án đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đồi Đại Bộ có diện tích hơn 9,6 ha, số tiền đặt cọc tham gia đấu giá là 303.706.000 đồng. Vì dự án này chưa có đánh giá trữ lượng mỏ nên giá khởi điểm được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Trong phiên đấu giá, có 10 đơn vị mua hồ sơ, 8 đơn vị nộp hồ sơ, 5 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu giá, trong đó có Công ty CP An Bình 62. Doanh nghiệp này đã trúng đấu giá tạm tính hơn 54,5 tỉ đồng, trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm tạm tính là hơn 53,4 tỉ đồng.
Vơi kết quả này, khi doanh nghiệp đi vào khai thác khoáng sản sẽ thu được về cho ngân sách nhà nước hơn 70,5 tỉ đồng, bao gồm tiền trúng đấu giá, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.
Đến ngày 25.7.2023, UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định số 1492 về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực đồi Đại Bộ đối với Công ty CP An Bình 62.
Doanh nghiệp từ chối thực hiện dự án là điều bình thường
Thế nhưng, đến tháng 12.2023, Công ty CP An Bình 62 bất ngờ có văn bản xin từ chối thực hiện dự án trúng đấu giá với lý do dự án không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Lý giải về việc này, đại diện Sở TN-MT tỉnh Hải Dương cho biết, doanh nghiệp từ chối thực hiện dự án là điều bình thường: “Khi tham gia đấu giá, doanh nghiệp nào cũng muốn đơn vị mình sẽ trúng. Tuy nhiên, khi trúng rồi thì một loạt các thủ tục pháp lý kèm theo doanh nghiệp sẽ phải thực hiện, trong đó có lập dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, cấp phép khai thác mỏ… sau đó mới được quyền khai thác. Có thể sau khi cân đối, tính toán cụ thể, doanh nghiệp này thấy không đủ khả năng nên đã từ chối thực hiện dự án”.
Đến giữa tháng 12.2023, Sở TN-MT tỉnh Hải Dương đã tổ chức cuộc họp với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản của tỉnh và Công ty CP An Bình 62 để thống nhất các nội dung liên quan đến đề nghị xin hủy kết quả đấu giá. Theo đó, Công ty CP An Bình 62 sẽ không được hoàn lại tiền đặt cọc trước khi hủy kết quả đấu giá và không có bất kỳ khiếu nại nào.
Vẫn theo Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, việc Công ty An Bình 62 từ chối thực hiện dự án không thiệt hại về kinh tế cho nhà nước, nhưng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, quy trình đấu giá lại phải làm lại từ đầu.
Sở TN-MT tỉnh Hải Dương đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh Hải Dương, dự kiến, trong quý 1/2024, việc đấu giá lại mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực mỏ Đại Bộ theo quy định sẽ được tiến hành.
Thông tin từ Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, Công ty CP An Bình 62 là doanh nghiệp mới thành lập, nằm trên địa bàn tỉnh. Trước khi trúng đấu giá quyền khai thác mỏ tại khu vực đồi Đại Bộ, doanh nghiệp này chưa từng tham gia dự án đấu giá khai thác khoáng sản nào ở Hải Dương.
Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 5 doanh nghiệp trúng đấu giá 5 dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả Công ty CP An Bình 62. Duy nhất chỉ có Công ty CP An Bình 62 từ chối thực hiện dự án. Các doanh nghiệp ở các dự án khác đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cấp quyền khai thác khoáng sản trong năm 2024.