Các quy định mới về phòng cháy chữa cháy đang khiến nhiều doanh nghiệp mắc kẹt. Nhiều công trình đầu tư vốn lớn ngưng trệ vì chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) vướng ở chỗ chính doanh nghiệp cũng không biết phải đáp ứng như thế nào.
VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh thực tế này trên nhiều địa phương cũng như ý kiến từ cơ quan quản lý xung quanh vấn đề này.
Trước đó, Cục Cảnh sát PCCC &CNCH đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị cho ý kiến đối với nội dung của QCVN 06:2022/BXD.
Bộ Xây dựng cho biết, sau khi nghiên cứu, Bộ thống nhất và có bổ sung thêm một số ý kiến hướng dẫn các cơ quan chuyên môn và phối hợp trong công tác thẩm định, thẩm duyệt hồ sơ thiết kế công trình xây dựng đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Nêu vướng mắc về việc một số loại hình công trình không thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 06:2022/BXD như các nhà máy điện, hiện nay, các đơn vị đề nghị áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia như TCVN 2622:1995, TCVN 6160:1996… Cục Cảnh sát PCCC &CNCH đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến có phù hợp hay không?
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng dẫn quy định tại Điều 1.1.7 QCVN 06:2022/BXD nêu: “Các yêu cầu về phòng cháy, chống cháy của các tài liệu chuẩn trong xây dựng phải dựa trên yêu cầu của quy chuẩn này”.
Do đó, Bộ Xây dựng thống nhất, các quy định của tiêu chuẩn, tài liệu chuẩn khác phải không trái với quy định tại QCVN 06:2022/BXD.
Tài liệu chuẩn được hiểu bao gồm cả QCVN 06 phiên bản cũ (để áp dụng với các công trình đã được góp ý theo QCVN 06 cũ, nay thẩm duyệt và không thuộc phạm vi QCVN 06:2022/BXD).
“Theo quy chuẩn của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn là tài liệu tự nguyện áp dụng trên nguyên tắc phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật có liên quan” – Bộ Xây dựng cho biết.
Vấn đề vướng mắc khác là trong một số trường hợp riêng biệt, có thể xem xét thay thế một số yêu cầu của quy chuẩn này đối với công trình cụ thể khi có luận chứng kỹ thuật gửi Bộ Xây dựng nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế và cơ sở của những giải pháp này để bảo đảm an toàn cháy cho công trình.
Luận chứng này phải được Bộ Xây dựng cho ý kiến thống nhất và hồ sơ thiết kế xây dựng phải được cơ quan Cảnh sát PCCC &CHCN có thẩm quyền thẩm duyệt theo quy định pháp luật về PCCC.
Đối với vấn đề này, Bộ Xây dựng thống nhất rằng, cơ quan Cảnh sát PCCC &CNCH có thẩm quyền duyệt theo quy định pháp luật về PCCC là Cục Cảnh sát PCCC & CNCH tại địa phương, thực hiện theo phân cấp quy định tại khoản 12 Điều 13 Nghị định số 136/2020.
Về phạm vi áp dụng QCVN 06:2022/BXD và QCVN 13:2018/BXD đối với các nhà có nhiều hơn 3 tầng hầm, Bộ thống nhất, đối với các nhà có nhiều hơn 3 tầng hầm, có tầng hầm 4 và 5 làm gara ô tô thì áp dụng QCVN 06:2022/BXD và QCVN 13:2018/BXD (trong trường hợp này QCVN 13:2018/BXD là tài liệu chuẩn).
4 trường hợp xử lý chuyển tiếp
Liên quan đến vướng mắc trong quy định xử lý chuyển tiếp đối với nhà, công trình đã được góp ý hoặc thẩm duyệt về PCCC trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực theo quy định tại điều 7.1.1 và Điều 7.1.2, Bộ Xây dựng thống nhất, về cơ bản, nếu hồ sơ thiết kế đã được góp ý về PCCC theo QCVN 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình phiên bản nào thì thì áp dụng phiên bản đó.
Các trường hợp đề nghị góp ý điều chỉnh hoặc thẩm duyệt điều chỉnh theo QCVN 06:2022/BXD thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng cũng nêu rõ các tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Cụ thể: Đối với hồ sơ thiết kế xây dựng đã có văn bản góp ý hoặc thẩm duyệt thiết kế PCCC bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo phiên bản quy chuẩn QCVN 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình nào thì tiếp tục được áp dụng theo phiên bản quy chuẩn đó. Trường hợp này, được áp dụng theo phiên bản hiện hành nếu chủ đầu tư có yêu cầu.
Trường hợp thứ hai, đối với hồ sơ thiết kế xây dựng đã thực hiện chỉnh sửa thiết kế PCCC theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (yêu cầu chỉnh thiết kế PCCC này phải được thể hiện bằng văn bản) theo phiên bản QCVN 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình nào thì tiếp tục được áp dụng theo phiên bản quy chuẩn đó. Trường hợp này, khuyến khích áp dụng phiên bản hiện hành, nếu chủ đầu tư đồng ý.
Trường hợp thứ ba, đối với hồ sơ thiết kế xây dựng, đã có văn bản góp ý thiết kế PCCC bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng khi thẩm duyệt thiết kế PCCC muốn áp dụng QCVN 06:2022/BXD thì cần xem xét cụ thể các thay đổi đó có ảnh hưởng đến hồ sơ thiết kế không, ảnh hưởng đến mức độ nào.
Ví dụ, thay đổi bậc chịu lửa của nhà dẫn đến thay đổi giải pháp kết cấu từ bê tông cốt thép thành kết cấu thép, dẫn tới thay đổi cả các yêu cầu khác liên quan đến thoát nạn, cấp nước chữa cháy, đường giao thông cho xe chữa cháy, khoảng cách giữa các nhà và công trình…
Trường hợp thứ tư, đối với công trình thuộc phạm vi áp dụng của QCVN 06:2022/BXD thì cần sử dụng tài liệu chuẩn để thiết kế và thẩm duyệt theo quy định. Đối với các công trình an ninh, quốc phòng có thể vận dụng áp dụng quy định của QCVN 06:2022/BXD.
Ngoài ra, còn có các nội dung thống nhất, bổ sung quy định về ngăn cháy lan đối với sảnh thông tầng; Cách xác định giới hạn chịu lửa của cửa tầng thang máy khi thang máy không nằm trên đường thoát nạn; Cách xác định bậc chịu lửa I,II với nhà dân dụng và nhà xưởng có kết cấu cột, sàn bằng bê tông cốt thép nhưng kết cấu mái bằng thép không bọc bảo vệ…