Báo cáo thống kê sơ bộ của Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, trong năm 2023, nền kinh tế rơi vào suy thoái nhẹ.
Nền kinh tế số một châu Âu lại đối mặt với suy thoái. (Nguồn: AP) |
Số liệu của Destatis cho thấy, năm 2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm 0,3% so với năm 2022. Như vậy, sau năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát (năm 2020), đây là lần suy giảm thứ hai của nền kinh tế Đức trong thập kỷ này.
Tỷ lệ lạm phát cao, lãi suất tăng và nền kinh tế toàn cầu suy yếu là những nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức suy giảm.
Lạm phát cao làm giảm sức mua của các hộ gia đình tư nhân, do đó kìm hãm tiêu dùng – một trụ cột quan trọng của nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu.
Để chống lại lạm phát cao, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhiều lần tăng lãi suất, đưa mức lãi suất lên cao nhất trong lịch sử. Điều này ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ngành xây dựng. Nhu cầu mua nhà của người dân Đức sụt giảm mạnh do chi phí tài chính đắt đỏ.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu của Đức lại bị ảnh hưởng lớn do nền kinh tế toàn cầu yếu. Nhu cầu của thế giới về hàng hóa giảm, gây áp lực lớn đối với các nhà sản xuất nước này.
Bên cạnh đó, các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Đức, đặc biệt là Trung Quốc, đã phải vật lộn với những khó khăn lớn. Kết quả là nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm 3,0% và xuất khẩu giảm 1,8% trong năm ngoái.
Thêm nữa còn có những bất ổn địa chính trị dai dẳng, từ xung đột tại Ukraine, Trung Đông đến các căng thẳng khác. Những bất ổn này đã và đang tiếp tục đe dọa chuỗi cung ứng, đặc biệt là tuyến đường biển quan trọng qua Biển Đỏ.
Chuyên gia kinh tế Laura Pagenhardt tại Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) nhận định, nhiều doanh nghiệp Đức đang gặp khó khăn lớn và đang trì hoãn các kế hoạch đầu tư mới. Điều này có thể thấy rõ qua số liệu đầu tư yếu, đặc biệt là trong năm mới 2024.
Cũng theo Destatis, năm 2023 cũng là năm rất khó khăn với ngân sách liên bang. Chi phí lãi vay cao hơn, các khoản viện trợ năng lượng lớn và nhiều khoản chi khác đã đẩy mức thâm hụt ngân sách vào tình trạng “báo động đỏ”.
Theo đánh giá sơ bộ, bội chi ngân sách của Đức đã tăng 82,7 tỷ Euro, tương ứng với mức thâm hụt 2,0% GDP.