Tôi 47 tuổi, mắc bệnh gout, gần đây thời tiết lạnh nên đau nhức khớp nhiều hơn. Tôi nên ăn uống thế nào để cải thiện triệu chứng? (Văn Hùng, Vĩnh Phúc)
Trả lời:
Bệnh gout xảy ra do sự lắng đọng của các tinh thể urat (urat natri) hoặc tinh thể axit uric gây viêm khớp, thường gặp ở nam giới từ 40 tuổi. Bệnh thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần rồi trở thành mạn tính.
Trong những ngày trời lạnh, triệu chứng của bệnh gout và các bệnh về xương khớp khác có thể nặng hơn. Nguyên nhân do trời rét khiến gân cơ co rút lại, dịch khớp đông quánh làm các khớp khô cứng, đau nhức, khó cử động. Lắng đọng của axit uric vào các khớp cũng gây sưng đau.
Người bệnh gout nên ăn uống đầy đủ protein theo nhu cầu khuyến nghị nhưng giảm purin nhằm giảm tạo thành axit uric trong cơ thể. Thực phẩm có nhiều purin bao gồm hải sản (cá cơm, cá mòi, cá trích, trứng cá muối), thịt bò, lợn, gia cầm, thịt hun khói, giăm bông, mỡ động vật, nước hầm xương. Khẩu phần thịt cá hàng ngày không nên vượt quá 150 g.
Chế độ ăn của người bệnh gout nên có ít chất béo, không vượt quá 30% tổng nhu cầu năng lượng; tăng cường carbohydrate, rau xanh vào khẩu phần. Thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa nên chọn như lựu, quả mâm xôi, dâu tây… Người bệnh ưu tiên thực phẩm có tính kiềm, các loại sữa ít béo, protein có nguồn gốc thực vật để góp phần giảm nồng độ axit uric máu.
Bạn uống đủ nước (khoảng ba lít mỗi ngày), uống thêm nước khoáng giúp tăng đào thải axit uric máu qua thận. Không dùng đồ uống có cồn như rượu, bia, nước ngọt có đường fructose.
Người bệnh gout tránh ăn vặt giữa các bữa, dùng bữa tối trước khi đi ngủ ba tiếng để ngăn ngừa tích tụ purin trong cơ thể. Chế biến món ăn bằng cách luộc, hầm (nhất là với thịt) tốt hơn chiên rán, nướng.
Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, người bệnh gout, bệnh xương khớp có thể bổ sung thêm các tinh chất từ thiên nhiên như eggshell membrane, collagen type 2 không biến tính, collagen peptide thủy phân, turmeric root, chondroitin sulfate… Các dưỡng chất này hỗ trợ giảm đau, tái tạo sụn khớp, bảo vệ màng hoạt dịch, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp. Người bệnh gout nên đến bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và dinh dưỡng để được thêm tư vấn về khẩu phần ăn uống khoa học.
Người có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh gout hay viêm khớp như sưng, nóng, đỏ, đau các khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối… nên đến bác sĩ khám sớm.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |