Căn cứ vào tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ, Cục Khoáng sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ TN&MT để kịp thời điều chỉnh Quyết định này cho phù hợp.
Theo Kế hoạch xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng phải đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật khác có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, gắn với yêu cầu cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả.
Đồng thời, kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới.
Kế hoạch xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản phải bảo đảm chất lượng xây dựng văn bản, đúng tiến độ theo Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ và của Bộ TN&MT.
Phân rõ trách nhiệm cho Cục Khoáng sản Việt Nam
Theo Kế hoạch, Cục Khoáng sản Việt Nam chủ trì xây dựng, đánh giá tác động của chính sách; đánh giá tác động thủ tục hành chính; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản.
Cục tham mưu Lãnh đạo Bộ tổ chức soạn thảo Luật Địa chất và Khoáng sản phần về quy định chung và về khoáng sản theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; kịp thời xin ý kiến, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật;
Cục cũng tham mưu Lãnh đạo Bộ thành lập/Kiện toàn Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật Địa chất và Khoáng sản; trình Lãnh đạo Bộ cho ý kiến về việc đăng tải và lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan, hồ sơ gồm: Dự thảo Tờ trình Chính phủ và Dự thảo Luật; phối hợp với Văn phòng Bộ để đề nghị đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.
Cục tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trường hợp không tiếp thu ý kiến góp ý phải giải trình cụ thể đối với phần về các nội dung chung và về khoáng sản; báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban soạn thảo về tiến độ, nội dung, những vấn đề phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau đối với Dự thảo Luật.
Cục Khoáng sản Việt Nam cũng có trách nhiệm gửi 1 bộ hồ sơ Dự thảo Luật đến Vụ Pháp chế để xem xét có ý kiến trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, ký gửi Bộ Tư pháp thẩm định và gửi Văn phòng Bộ để đăng dự thảo văn bản được chỉnh lý và báo cáo giải trình tiếp thu trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ TN&MT.
Bên cạnh đó, Cục chủ trì, phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, Vụ Pháp chế, các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật; hoàn thiện hồ sơ và gửi Vụ Pháp chế xem xét, có ý kiến trước khi trình Bộ trưởng xem xét quyết định ký trình Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội; tham mưu Lãnh đạo Bộ, chủ trì phối hợp với các Ủy ban có liên quan của Quốc hội để tổ chức thẩm tra và hoàn thiện dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; thực hiện tổng hợp chung Hồ sơ xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Trách nhiệm của Cục Địa chất Việt Nam
Cũng theo Kế hoạch, Cục Địa chất Việt Nam có trách nhiệm: Chủ trì xây dựng, đánh giá tác động của chính sách; đánh giá tác động thủ tục hành chính; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về địa chất; tham mưu Lãnh đạo Bộ tổ chức soạn thảo Luật Địa chất và Khoáng sản phần địa chất theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Kịp thời xin ý kiến, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật;
Phối hợp tham mưu Lãnh đạo Bộ thành lập/Kiện toàn Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật Địa chất và Khoáng sản.
Phối hợp trình Lãnh đạo Bộ cho ý kiến về việc đăng tải và lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan, hồ sơ gồm: Dự thảo Tờ trình Chính phủ và Dự thảo Luật.
Tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trường hợp không tiếp thu ý kiến góp ý phải giải trình cụ thể đối với các nội dung về địa chất.
Báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban soạn thảo về tiến độ, nội dung, những vấn đề phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau đối với nội dung về địa chất trong Dự thảo Luật.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban soạn thảo, phối hợp với Tổ biên tập, Cục Khoáng sản Việt Nam để chỉnh lý Dự thảo Luật. Trường hợp còn có những vấn đề phức tạp, có ý kiến khác nhau thì báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật. Tiếp tục lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài Bộ để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật.
Phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam gửi 1 bộ hồ sơ Dự thảo Luật đến Vụ Pháp chế để xem xét có ý kiến trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, ký gửi Bộ Tư pháp thẩm định và gửi Văn phòng Bộ để đăng dự thảo văn bản được chỉnh lý và báo cáo giải trình tiếp thu trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ TN&MT.
Chủ trì, phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, Vụ Pháp chế, các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để chỉnh lý, hoàn thiện nội dung về địa chất trong Dự thảo Luật.
Phối hợp hoàn thiện hồ sơ và gửi Vụ Pháp chế xem xét, có ý kiến trước khi trình Bộ trưởng xem xét quyết định ký trình Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp; phối hợp hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội; tham mưu Lãnh đạo Bộ, chủ trì, phối hợp với các Ủy ban có liên quan của Quốc hội để tổ chức thẩm tra và hoàn thiện nội dung về địa chất trong Dự thảo Luật.
Kế hoạch cũng nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan như: Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; Vụ Pháp chế; Vụ Kế hoạch và Tài chính; Văn phòng Bộ.