Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí xung quanh vấn đề này.
Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,1 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD – mức kỷ lục của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ông nhận định như thế nào về con số này?
Nếu nói về kết quả đạt được trong năm 2023 thì đó là giá gạo tăng và bán được dễ dàng, lợi nhuận bà con trồng lúa tăng lên. Đây là mong muốn của không chỉ riêng nông dân mà của cả xã hội.
Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa |
Bên cạnh đó, vị thế của quốc gia, của hạt gạo và của nông dân cùng được nâng lên. Ngành lúa gạo Việt Nam đã chuyển dần quyền thương lượng về giá từ người mua sang người bán.
Có thể nói, năm 2023 với các yếu tố cung cầu, biến đổi khí hậu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt tâm lý người tiêu dùng đã giúp hạt gạo Việt Nam lấy lại đúng vị thế của mình.
Giữ vị thế hạt gạo Việt Nam đang là câu chuyện được nhắc đến nhiều, theo ông, đâu là giải pháp?
Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đặt ra các vấn đề như tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời |
Có thể thấy, định hướng sản xuất cùng với việc đầu tư hạ tầng gắn với những quy hoạch cụ thể từ vùng trồng, giống lúa, cho từng thị trường xuất khẩu, và ở đó, chúng ta có quy trình sản xuất đạt chuẩn, các nhà mua hàng cũng chấp nhận quy trình của chúng ta. Như vậy, ngành lúa gạo Việt Nam hoàn toàn có thể giữ vững được vị thế như hiện nay.
Đặc biệt, việc chúng ta tổ chức theo hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo, tập hợp các thành tố theo theo chuỗi lúa gạo bền vững, đây là cách tối đa hoá nguồn lực xã hội, từ đó, sẽ giải quyết được xung đột lợi ích không cần thiết giữa các thành tố, tránh cạnh tranh với nhau. Nếu làm được điều này, thì chúng ta chấm dứt được cảnh được mùa mất giá.
Vừa qua, gạo Việt Nam tiếp tục được điểm tên ngon nhất thế giới, ông đánh giá như thế nào về việc này, đặc biệt trong việc tạo bước đệm hỗ trợ ngành lúa gạo trong hoạt động xuất khẩu?
Chúng ta khác với các quốc gia xuất khẩu gạo ở chỗ giống của họ là do sự sàng lọc tự nhiên và chỉ có 1 vụ. Còn tại Việt Nam, các nhà khoa học đã tạo ra giống ngắn ngày, năng suất cao, cùng với môi trường, thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng nên Việt Nam có thể sản xuất liên tục và nhiều vụ trong năm. Đây là yếu tố để Việt Nam có thể đóng góp vào an ninh lương thực thế giới và đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Việc tạo dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu cho doanh nghiệp, nắm quyền thương lượng về giá từ đó nâng cao thu nhập, vị thế người nông dân, gắn sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và làm nông thôn trở thành vùng quê đáng sống hơn… Chúng ta tin tưởng rằng với việc tổ chức lại sản xuất tốt hơn thì ngành lúa gạo Việt Nam sẽ bước sang chương mới.
Dù vậy, chúng ta cũng cần nhìn ngành lúa gạo trong bức tranh nhiều góc cạnh. Ví dụ, thu nhập đời sống nông dân tăng phải so với cây trồng khác.
Đề án một triệu ha đất lúa chất lượng cao là rất tốt, nhưng nếu thu nhập không cao hơn cây trồng khác, thì sẽ khó khuyến khích được người nông dân. Giải bàn toán thu nhập cho bà con trồng lúa bằng cách biến phụ phẩm thành giá trị gia tăng. Việc này sẽ mang lại lợi nhuận nông dân ngang bằng hoặc cao hơn loại cây trồng khác.
Ví dụ, với 43 triệu tấn lúa thì hoàn toàn có khả năng thu gom về 5 triệu tấn trấu. 5 triệu tấn trấu, chế biến thành tấm phế phẩm thì hoàn toàn tạo nên sản phẩm polyme thiên nhiên phân hủy sinh học, giải quyết môi trường, đem lại doanh thu 50 – 52 tỷ USD, đem về lợi nhuận 3 – 4 tỷ USD, bằng doanh số xuất khẩu gạo hiện nay.
Tất nhiên, để đạt được con số này sẽ còn rất nhiều việc phải làm như vấn đề thị trường, thiết bị công nghệ. Nhưng sản phẩm đã làm ra không ảo tưởng mà thực tế đã có sản phẩm đã xuất khẩu đi theo đơn đặt hàng Nauy, nên đây là con số khả thi.
Cùng với trấu, chúng ta có các sản phẩm phế phẩm khác từ gạo như cám, tấm gạo đều có thể mang lại giá trị gia tăng rất lớn. Đây là hướng đi, giải quyết được bài toán cân đối lợi ích thu nhập đóng góp bà con nông dân. Từ đó, chúng ta không quá băn khoăn với câu chuyện làm an ninh lương thực nhưng thu nhập của người trồng lúa không cao. Đáng chú ý, chúng ta làm chủ công nghệ chế biến, do đó, mục tiêu này là hoàn toàn có thể thành hiện thực.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2023, xuất khẩu gạo cán đích 8,1 triệu tấn, tương ứng 4,7 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 35% về giá trị so với năm 2022. Ngành gạo đã lập kỷ lục xuất khẩu cả về lượng và kim ngạch sau 34 năm tham gia vào thị trường toàn cầu. Bình quân giá gạo xuất khẩu trong năm 2023 đạt 580 USD/tấn, tăng 19% so với năm 2022. |