Khi mặt trời lặn cũng là lúc khách “mở hầu bao”
Tờ Nikkei Asia vừa thông tin chính phủ Thái Lan kéo dài thời gian cho các hoạt động giải trí đêm đã giúp Thái Lan thu về 54,5 tỉ baht (1,6 tỉ USD) cho hoạt động du lịch chỉ riêng trong tháng 12.2023, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. “Việc kéo dài thời gian mở cửa cho các hoạt động đêm có vai trò quan trọng hỗ trợ ngành du lịch trong dịp cuối năm”, tờ báo dẫn lời ông Sanga Ruangwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khaosan, khu vực nổi tiếng với các địa điểm giải trí về đêm ở Bangkok.
Thống đốc Sophon Suwannarat của đảo Phuket cũng cho biết các khu vực ven biển tại Phuket đã trở nên sôi động hơn và có hoạt động về đêm nhộn nhịp hơn. Đặc biệt trong dịp cuối năm, có khoảng 50.000 khách du lịch, phần lớn là khách nội địa, đi trên 300 chuyến bay đến Phuket mỗi ngày.
“Chúng tôi kỳ vọng Phuket sẽ thu được khoảng 300 tỉ baht (8,5 tỉ USD) trong năm nay, mức rất gần với doanh thu vào năm trước khi dịch Covic-19 bùng phát”, ông Sophon trả lời báo chí. Tương tự, tại thành phố biển Pattaya, các khách sạn tại đây có tỷ lệ lấp đầy khoảng 90%, khi có hơn 320.000 du khách đến tham dự hoạt động đếm ngược chào năm mới tại các địa điểm, chi tiêu gần 2,6 tỉ baht chỉ riêng trong dịp này. Thị trưởng Poramet Ngampichet của TP.Pattaya nhấn mạnh việc gia hạn thêm thời gian mở cửa đã giúp doanh thu tại các quán rượu và điểm giải trí tăng 50% dịp cuối năm.
Thực tế, trước khi nội các Thái Lan thông qua quyết định kéo dài thời gian mở cửa các địa điểm vui chơi giải trí, du lịch đêm, kinh tế đêm đã phát triển rất mạnh mẽ ở đất nước này.
Sự thuận tiện trong di chuyển, các loại hình phương tiện công cộng hoạt động hiệu quả, an toàn; cùng các loại hình về đêm truyền thống như câu lạc bộ đêm, chợ ẩm thực về đêm đã đưa Thái Lan trở thành “thủ phủ tiệc tùng” của châu Á. Song, chính phủ nước này vẫn không ngừng nỗ lực phát triển những chương trình mới, sản phẩm mới đa dạng kết hợp giữa hoạt động bán lẻ với văn hóa, tính sáng tạo, tổ chức các sự kiện triển lãm quốc tế…; “mạnh tay” mở hết nấc các rào cản pháp lý để thành công tạo ra một nền kinh tế đêm trị giá khoảng 5,5 tỉ USD.
Trước Thái Lan, Thượng Hải (Trung Quốc) cũng là điển hình cho thành công kích hoạt “cỗ máy in tiền” kinh tế đêm với chủ trương “khi mặt trời lặn cũng là lúc khách bắt đầu chi tiền”. Giữa năm 2019 khi hàng loạt các TP như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hồ Nam, Hà Bắc rầm rộ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh về đêm, chính quyền TP.Thượng Hải cũng đã ban hành các hướng dẫn để thúc đẩy kinh tế ban đêm bằng cách xây dựng một số khu vực giải trí từ 19 – 6 giờ; khai trương rạp chiếu phim 24 giờ… Doanh số trên toàn quốc về đêm của nền tảng siêu thị jddj.com có trụ sở tại Thượng Hải lập tức tăng 65%; chuỗi nhà hàng kéo dài thời gian mở cửa từ 1 – 2 giờ 30 cho biết cũng ghi nhận tổng doanh thu tăng vọt 13 – 14% so với tháng trước.
Tại VN, lãnh đạo ngành du lịch TP.HCM thông tin những nỗ lực thắp sáng kinh tế đêm với loạt tour đêm mới từ city tour tới đường sông đã góp phần quan trọng đưa doanh thu ngành du lịch TP vượt 25% so với thời điểm trước dịch bất chấp lượng khách mới chỉ phục hồi khoảng 65%.
Tương tự, chỉ sau một đêm ra mắt đúng mùa cao điểm du lịch cuối năm, chợ đêm VUI-Fest tại TT.Hoàng Hôn – chợ đêm sáng tạo trên biển đầu tiên của Phú Quốc đã thu hút tới hàng chục ngàn lượt khách ghé vui chơi và mua sắm, trở thành từ khóa được săn lùng bậc nhất đảo ngọc. Với sự sáng tạo, tính nghệ thuật, sức sống trẻ trung, khu chợ đêm vui quên lối về này được đánh giá không chỉ là không gian đáng nhớ mà còn góp phần thổi bừng sức sống về đêm, tô thêm sắc màu phồn hoa, sôi động cho Phú Quốc sau thời gian du lịch ảm đạm.
Muốn có kinh tế đêm, sao nửa đêm đã… tắt đèn ?
Vừa trở về VN sau 2 chuyến đi liên tiếp ở Maldives và Trung Quốc, anh Nguyễn Tân (ngụ Q.3, TP.HCM) nhận xét không có gì bất ngờ với những thành quả mà du lịch một số nước đã đạt được từ kinh tế đêm. Gần đây, trong chuyến bay từ TP.HCM đi Maldives quá cảnh tại Thái Lan, anh Tân không bỏ lỡ cơ hội “tạt” ngay vào Bangkok chơi một đêm, dù đã đi Thái trên dưới chục lần. Anh Tân kể từ Phuket, tới Pataya, Bangkok đều có những khu phố đêm rất rộng lớn mà ở đó có tất tần tật mọi thứ từ ăn uống ẩm thực địa phương đến quốc tế, mua sắm những món đồ trên trời dưới biển. Điểm đặc biệt là các nơi này của Thái mở rất khuya.
Ngoài ra, ban đêm ở Thái có “bao la” các show diễn phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng. Chẳng hạn, ở Phuket các show trình diễn bởi những người chuyển giới tồn tại nhiều năm rồi mà vẫn luôn đông khách. Vé được bán ở khách sạn, đại lý du lịch bên đường, mua xong tới giờ diễn có xe tới đón rất thuận tiện. Sau đó, có thể đi bar, pub xuyên đêm.
“Từng ở Phuket 3 đêm, đêm đầu tiên đi xem Simon Cabaret, ăn đêm. Đêm thứ 2, dạo phố đêm Patong, đi bar. Mà phố đêm Patong nó lớn khủng hoảng. Đêm cuối đi xem những show nhỏ, đi massage đường phố… Thượng Hải ở Trung Quốc cũng vậy, các hoạt động đêm mở rất khuya và đa dạng, dày đặc những khu mua sắm khổng lồ. Mỗi điểm vui chơi có quá nhiều hoạt động, nên mỗi TP có thể ở mấy đêm mới đi hết. Được cái là những điểm ăn, chơi ở gần nhau hoặc có kết nối giao thông rất tiện. Không nhất thiết đi tour ngày về là phải vội đi chơi tối luôn, mà có thể nghỉ ngơi xong tới 21 – 22 giờ mới “lên đồ”. Như ở VN hay cụ thể là TP.HCM cũng có chỗ chơi đêm như đi tàu trên sông, ra Bùi Viện hoặc đi buýt đêm 2 tầng. Nhưng đi một đêm là hết, đêm thứ 2 rõ là không biết làm gì thêm… Sản phẩm đơn điệu, không có điểm nhấn đặc sắc và luôn “ép” khách phải đi ngủ sớm vì giới hạn giờ hoạt động”, anh Tân nhận xét.
Điều này cũng được ghi nhận trong tổng kết 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1129 của Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở VN của TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM). TS Hồng Minh đánh giá đến nay, nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về chủ trương, quan điểm, mục tiêu và các giải pháp phát triển kinh tế ban đêm có những chuyển biến. Các kế hoạch hành động, nội dung truyền thông đều đồng thuận với khái niệm kinh tế ban đêm gắn với khung thời gian mở nhất (tức từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau). Thế nhưng, việc hiện thực hóa các mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế ban đêm trong 3 năm qua vẫn còn bất cập. Các hoạt động kinh tế ban đêm còn thiếu đa dạng, thiếu đặc thù và thiếu sáng tạo, chủ yếu dừng ở các hoạt động ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, phố đi bộ, chợ đêm…
Các chuyển biến về chính sách cụ thể hướng tới phát triển kinh tế ban đêm còn chưa nhiều. Việc lồng ghép quy hoạch cho hoạt động kinh tế ban đêm vào các quy hoạch thời gian cũng chưa có chuyển biến rõ ràng. Các địa phương nhìn nhận yêu cầu phải có những chính sách có tính đột phá, thậm chí thông qua thí điểm để phát triển kinh tế ban đêm nhưng các kiến nghị còn chậm được cụ thể hóa…
“Các địa phương cần mạnh dạn hơn nữa trong triển khai các giải pháp phát triển kinh tế ban đêm với những cách làm mới, chính sách khuyến khích đột phá, hỗ trợ cả về hàng lang pháp lý và tài chính cho các hoạt động kinh tế ban đêm”, TS Hồng Minh nhấn mạnh.
Kinh tế đêm sẽ không thể “thắp sáng” chừng nào tư duy, những chính sách quản lý vẫn chỉ dừng ở “nửa đêm”. Khu vực kinh tế đêm phải được quy hoạch riêng, xa khu dân cư để có thể hoạt động náo nhiệt 24/24 mà không ảnh hưởng tới đời sống người dân.
PGS-TS Phạm Trung Lương (Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch)