Sự kiện có quy mô hàng đầu thế giới
Trả lời báo chí trước chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân dự WEF Davos 2024, thăm chính thức Hungary và Romania, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định Hội nghị WEF Davos lần thứ 54 diễn ra từ ngày 15 – 19.1 với chủ đề “Tái thiết lòng tin” có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19, có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế nhất từ trước đến nay.
Với sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu, theo bà Hằng, hội nghị năm nay thực sự là sự kiện có quy mô hàng đầu thế giới để chia sẻ những ý tưởng, thảo luận hấp dẫn, đa chiều về triển vọng kinh tế thế giới, những xu thế mới và tầm nhìn phát triển toàn cầu…
Với quy mô, ý nghĩa của hội nghị như vậy, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos năm nay có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, hội nghị là cơ hội giá trị để nắm bắt những tư duy, ý tưởng, mô hình phát triển, mô hình quản trị và các xu thế phát triển của thế giới. Hay nói cách khác là trao đổi, lắng nghe “nhịp đập” của thế giới, từ đó tranh thủ, tận dụng kịp thời những thời cơ, xu thế mới, ứng phó hiệu quả với những thách thức đặt ra, thu hút tối đa nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Thứ hai, trong bối cảnh những năm qua, đất nước ta đã đạt những thành tựu nổi bật về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội, tạo dựng được cục diện đối ngoại hết sức thuận lợi cho phát triển, đây là thời điểm lý tưởng để Việt Nam chia sẻ thông tin, quảng bá những thành tựu, định hướng, chiến lược phát triển đất nước, chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Đồng thời, chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu; từ đó chuyển hóa môi trường đối ngoại thuận lợi của Việt Nam hiện nay thành những kết quả hợp tác kinh tế cụ thể, những dự án đầu tư thiết thực, tạo các động lực mới thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thứ ba, sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị cùng những chia sẻ, đánh giá, đề xuất của Thủ tướng về tình hình, quan điểm, tư duy phát triển ở tầm toàn cầu, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức nổi lên sẽ tiếp tục khẳng định đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam đối với hòa bình, phát triển và các vấn đề quan tâm chung; qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.
Cuối cùng, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế tại Davos, hội nghị cũng là dịp để Việt Nam tăng cường trao đổi, thúc đẩy hợp tác với Thụy Sĩ và các đối tác, các tổ chức quốc tế, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Việt Nam có phiên đối thoại riêng với WEF
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết, Thủ tướng dự kiến sẽ có chương trình liên tục các hoạt động tại Hội nghị WEF Davos, gồm: tham dự và phát biểu tại các phiên thảo luận quan trọng, trong đó có một số phiên đặc biệt dành riêng cho Việt Nam; chủ trì nhiều tọa đàm với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu; tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
“Việc Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức đối thoại chiến lược quốc gia với WEF và Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong 8 lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chia sẻ những đánh giá, nhận định, quan điểm của Việt Nam về triển vọng, thời cơ và thách thức, xu hướng điều chỉnh của kinh tế thế giới cả về cơ cấu và mô hình, tác động đến phát triển của thế giới và từng quốc gia.
Từ những kinh nghiệm và bài học của Việt Nam và ASEAN, Thủ tướng sẽ đề xuất những giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế, tái thiết lòng tin, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, giữa Chính phủ với doanh nghiệp và các đối tác nhằm chia sẻ trách nhiệm chung, xoay chuyển tình thế, biến thách thức thành cơ hội.
“Chúng ta cũng sẽ tiếp tục nhấn mạnh đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong xử lý các thách thức toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực ta có thế mạnh như an ninh lương thực, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng…”, bà Hằng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô, kịp thời nắm bắt và chủ động đón đầu xu thế mới, sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút đầu tư; nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, nghiên cứu phát triển, chuyển đổi xanh, chuyển đối số, kinh tế tuần hoàn…
Tăng cường và làm sống động quan hệ với Hungary và Romania
Với chuyến thăm Hungary và Romania từ ngày 18 – 23.1, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết, đây là hoạt động trao đổi đoàn ở cấp Thủ tướng Chính phủ đầu tiên giữa Việt Nam và Hungary trong 7 năm qua và với Romania là trong vòng 5 năm.
“Hungary và Romania là 2 trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi chúng ta giành độc lập. Trong 70 năm qua, Chính phủ và nhân dân hai nước đã luôn dành cho Việt Nam những tình cảm và sự hỗ trợ to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội”, bà Hằng chia sẻ.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, khi Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhất, Hungary và Romania là những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam hàng trăm nghìn liều vắc xin cùng nhiều trang thiết bị y tế, góp phần giúp Việt Nam sớm vượt qua dịch bệnh và mở cửa, phục hồi kinh tế.
Hai nước cũng rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, nhất là trong quá trình đàm phán, ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).
Romania là nước đã nỗ lực hết sức thúc đẩy việc ký kết EVFTA vào đúng ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Romania. Hungary là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn EVIPA. “Chúng ta luôn hết sức trân trọng và biết ơn những tình cảm và sự hỗ trợ quý báu đó”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, làm việc với các lãnh đạo cấp cao của Hungary và Romania; thăm các địa phương, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp; gặp gỡ đông đảo bạn bè trong Hội Hữu nghị Việt Nam với Hungary và Romania, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hai nước.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần gia tăng hơn nữa tin cậy chính trị, tăng cường và làm sống động quan hệ hữu nghị truyền thống, tích cực hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam với Hungary và Romania.
Bên cạnh đó, thúc đẩy và đưa những lĩnh vực hợp tác truyền thống như kinh tế, thương mại, lao động, văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực… sang một giai đoạn mới; thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như khoa học – công nghệ, thông tin – truyền thông, dược phẩm, đổi mới sáng tạo…
Chuyến thăm cũng thắt chặt hơn nữa tình cảm hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân hai nước. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cùng Hungary và Romania đẩy mạnh hợp tác nhằm kết nối quan hệ giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông Âu và giữa hai nước với ASEAN.