Giải pháp nào để giảm khoảng cách về kết quả thi THPT giữa 2 vùng này, nhất là khi thực hiện đánh giá năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
KHOẢNG CÁCH GIÁO DỤC VÙNG MIỀN NGÀY CÀNG GIẢM
Trong hàng chục năm qua, Chính phủ, ngành giáo dục và xã hội có nhiều giải pháp hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn, miền núi, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…; nhờ đó, khoảng cách giáo dục giữa vùng thuận lợi và khó khăn ngày càng giảm.
Điều này được thể hiện qua mức độ điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH giảm theo từng giai đoạn, được xã hội đồng tình. Trước năm 2003, học sinh (HS) được cộng điểm nhiều nhất 3,0 điểm, giai đoạn 2004 – 2017, cộng ưu tiên nhiều nhất là 1,5 điểm, kể từ năm 2018, cộng nhiều nhất chỉ còn 0,75 điểm.
Theo Bộ GD-ĐT, việc cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh là do điều kiện học tập ở các vùng/khu vực vẫn có sự chênh lệch, các vùng miền núi, hải đảo, nông thôn còn nhiều khó khăn về trường lớp, về giáo viên, môi trường học tập, chất lượng đầu vào THPT thấp… Đặc biệt, thiếu giáo viên khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc chuyển đổi số trong giáo dục vẫn hạn chế ở những vùng kinh tế – xã hội khó khăn.
TRUNG BÌNH ĐIỂM THI 9 MÔN CHỈ LỆCH NHAU DƯỚI 1 ĐIỂM
Trên cơ sở kết quả điểm thi tốt nghiệp do Bộ GD-ĐT công bố, chúng tôi thống kê và tính điểm trung bình 9 môn của 10 địa phương cao nhất và 10 địa phương thấp nhất của 3 năm liên tiếp gần đây cho thấy, điểm chênh lệch giữa 2 nhóm địa phương này luôn ở mức dưới 1 điểm.
Cụ thể, năm 2021 (trung bình điểm thi 9 môn của 10 địa phương cao nhất là 6,823 điểm; của 10 địa phương thấp nhất là 6,003 điểm; chênh lệch giữa 2 nhóm địa phương là 0,820 điểm). Tính toán tương tự, năm 2022 (6,859; 5,946; 0,913) và năm 2023 (6,959; 6,046; 0,913). Như vậy, nếu tính điểm trung bình 9 môn, điểm chênh lệch giữa 10 địa phương cao nhất và 10 địa phương thấp nhất dưới 1,0 điểm, có thể chấp nhận được.
ĐIỂM VĂN, TOÁN VÀ NGOẠI NGỮ LỆCH NHAU TỪ 1,5 ĐẾN GẦN 2 ĐIỂM
Tuy nhiên, đối với 3 môn văn, toán và ngoại ngữ, là 3 môn thi bắt buộc, chênh lệch điểm giữa 10 địa phương cao nhất và 10 địa phương thấp nhất từ 1,5 điểm đối với môn ngữ văn và gần 2,0 điểm đối với môn ngoại ngữ.
Với cách tính toán như trên, đối với môn ngữ văn, năm 2021 (6,993; 5,676; 1,317), năm 2022 (7,295; 5,530; 1,765), năm 2023 (7,632; 6,001; 1,631). Môn ngữ văn chênh lệch giữa 2 nhóm địa phương trên 1,5 điểm.
Môn toán có độ chênh lệch lớn hơn và tăng dần qua các năm. Cụ thể năm 2021 (7,075; 5,521; 1,554), năm 2022 (7,012; 5,422; 1,590), năm 2023 (6,805; 5,120; 1,685). Chênh lệch giữa 10 địa phương cao nhất và 10 địa phương thấp nhất đối với môn toán trên 1,6 điểm.
Đối với môn ngoại ngữ, điểm chênh lệch giữa 2 nhóm địa phương rất lớn. Cụ thể, năm 2021 (6,579; 4,590; 1,989), năm 2022 (5,800; 4,117; 1,683), năm 2023 (6,148; 4,257; 1,891). Như vậy, môn ngoại ngữ điểm chênh lệch giữa 2 nhóm địa phương gần 2,0 điểm.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS. Và việc thi tốt nghiệp từ sau năm 2025 là đánh giá theo các yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này dẫn tới nguy cơ chênh lệch vùng miền sẽ cao nếu không có giải pháp hữu hiệu, do điều kiện dạy và học, chất lượng đầu vào của các trường miền núi, vùng khó khăn luôn thấp hơn các vùng thuận lợi.
GIẢI PHÁP GIẢM KHOẢNG CÁCH VÙNG MIỀN
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án 2+2 (2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, hai môn tự chọn theo xu hướng nghề nghiệp) được đánh giá là phương thức thi giảm áp lực thi cử và cân bằng hơn giữa tỷ lệ HS chọn môn thi thuộc khoa học xã hội (KHXH) và thuộc khoa học tự nhiên (KHTN). Đặc biệt ngoại ngữ là môn tự chọn sẽ làm giảm áp lực cho các địa phương vùng khó khăn.
Nhìn vào bảng thống kê điểm môn ngoại ngữ năm 2021, 2022 và 2023 cho thấy, các thành phố và các tỉnh có kinh tế – xã hội phát triển cao luôn ở tốp đầu; trong khi các tỉnh miền núi phía bắc, Tây nguyên và ĐBSCL – những nơi có nhiều HS dân tộc thiểu số – luôn ở tốp cuối.
Để giảm khoảng cách chất lượng vùng miền thông qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, trước hết Bộ GD-ĐT cần khảo sát, đánh giá, tổng kết triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên từng vùng, miền, địa phương; tập huấn về phương thức ra đề thi và đánh giá HS theo hướng phát triển năng lực, chú trọng tập huấn, hỗ trợ đặc biệt cho giáo viên vùng khó. Đồng thời, cho kiểm tra thử các bộ đề thi trên tất cả các vùng, sau đó đối sánh kết quả giữa các vùng, các địa phương. Việc ra đề thi cũng cần đảm bảo công bằng giữa các môn thi với nhau, tránh tình trạng môn dễ, môn khó.
Kế đến, các địa phương, các trường THPT cần khảo sát nguyện vọng chọn môn thi tốt nghiệp của HS, tăng cường hoạt động giáo dục hướng nghiệp để HS chọn môn thi, vừa đảm bảo đỗ tốt nghiệp, vừa phù hợp với xu hướng nghề nghiệp của bản thân.
Để đảm bảo năng lực về đánh giá, ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực, tăng cường vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn của đội ngũ giáo viên. Các trường ĐH sư phạm trên từng vùng cần phối hợp với các địa phương nơi trường đóng, để giảng viên và giáo viên THPT cùng xây dựng đề thi theo định dạng mới, từ đó rút kinh nghiệm để giảng dạy cho sinh viên sư phạm về kiểm tra, đánh giá và phương thức đánh giá năng lực.
Về phía HS, phụ huynh cần thay đổi quan điểm, học để phát triển năng lực phẩm chất, thi cử chỉ là đánh giá một giai đoạn học tập, việc học tập là một quá trình suốt đời.
Tìm nguyên nhân kết quả đánh giá PISA của VN tụt hạng
Mới đây, kết quả PISA năm 2022 đánh giá năng lực HS lứa tuổi 15 của hơn 73 nước, vùng lãnh thổ thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và ngoài OECD cho thấy, kết quả của HS VN bị tụt hạng rất nhiều so với năm 2018.
Năm 2018, VN xếp thứ 24/79 (quốc gia) về toán, 13/79 về đọc hiểu và 4/79 về khoa học, xếp trên trung bình các nước OECD. Trong khi năm 2022, VN xếp thứ 31/73 về toán, 34/73 về đọc hiểu và 34/73 về khoa học, xếp dưới trung bình các nước OECD. Đặc biệt là thứ hạng môn khoa học, tụt hạng sâu, từ thứ 4 năm 2018 xuống 34 năm 2022.
Một điều thấy rất rõ là tỷ lệ HS chọn tổ hợp KHXH trong thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng. Năm 2021 tỷ lệ này chiếm 64,72%; năm 2022 chiếm 66,96% và năm 2023 chiếm 67,64%. Nhất là các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, tỷ lệ này rất cao, có tỉnh trên 80%. Xu hướng này chứng tỏ HS chọn tổ hợp KHXH để dễ học, dễ tốt nghiệp, chứ không phải chọn theo xu hướng nghề nghiệp.
Xu hướng này dẫn đến việc HS VN ngay từ lớp 10 đa số chọn theo học các môn xã hội và nhân văn, nhất là các tỉnh. Ngay cả TP.HCM hay Hà Nội, các trường thuộc tốp dưới, HS cũng chọn học các môn KHXH nhiều hơn. Điều này làm cho năng lực khoa học của HS VN trên phương diện đại trà bị giảm so với nhiều nước trên thế giới. Việc HS chọn học các môn KHXH tăng cũng ảnh hưởng đến việc tỷ lệ chọn các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) của sinh viên VN thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT đưa ra ngày 6.12.2023, tỷ lệ này năm 2021 của VN 28%, trong khi Singapore là 46%, Malaysia là 50%, Hàn Quốc là 35%, Phần Lan là 36% và Đức là 39%.
Ở VN, sinh viên học ngành STEM ở vùng Đông Nam bộ chiếm 58,2% trong tổng số sinh viên của vùng, đồng bằng sông Hồng chiếm 50,2%, vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 15%, vùng núi phía bắc 10% và Tây nguyên, thấp nhất chỉ chiếm 2%.