ANTD.VN – Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), các doanh nghiệp của Hà Nội đang gặp khó khăn về quy định giải trình việc góp vốn và tăng vốn điều lệ.
Doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện quy định tăng vốn điều lệ |
Trong báo cáo kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ban IV cho biết, thời gian qua, một số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Hà Nội, trong quá trình làm thủ tục điều chỉnh đăng ký kinh doanh để tăng vốn điều lệ đều gặp vướng mắc.
Doanh nghiệp dù đã tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành (quy định tại Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp), nhưng lại nhận được hướng dẫn, yêu cầu về những thành phần hồ sơ ngoài quy định và doanh nghiệp khó có thể tuân thủ.
Cụ thể, ngoài thành phần hồ sơ cần có để giải trình về quá trình thay đổi vốn điều lệ hiện tại, doanh nghiệp còn được yêu cầu tập hợp và cung cấp đầy đủ hồ sơ để giải trình cho các lần thay đổi, điều chỉnh trước đó.
Theo hướng dẫn của Sở KH-ĐT Hà Nội, các tài liệu, chứng từ chứng minh doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ từ khi thành lập đến trước lúc tăng vốn điều lệ đợt này là: Phiếu thu tiền (nộp tiền)/chuyển khoản thanh toán mua cổ phần đợt thành lập Công ty;
Phiếu thu tiền (nộp tiền)/ chuyển khoản thanh toán mua cổ phần phát hành thêm của các đợt tăng vốn của Công ty; Sổ/giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của cổ đông các đợt thay đổi; Thông báo lập sổ cổ đông các đợt thay đổi.
Đối với các doanh nghiệp mới thành lập trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây thì yêu cầu tập hợp các chứng từ này là khả thi. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp thành lập lâu năm thì yêu cầu này không cần thiết, không khả thi và gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Do đó, để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn thực thi thống nhất tại các địa phương: Có xếp loại doanh nghiệp theo mức độ tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, chỉ yêu cầu hồ sơ giải trình cho tất cả các lần điều chỉnh vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm;
Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp tập hợp, cung cấp các chứng từ có tính khả thi mà vẫn đảm bảo ý nghĩa và giá trị giải trình, chẳng hạn như yêu cầu báo cáo tài chính qua các kỳ của doanh nghiệp thay vì giấy nộp tiền, chứng nhận sở hữu cổ phần của các cổ đông, thông báo lập sổ cổ đông các đợt.