Giá vàng SJC tăng thì cứ tăng, người mua lỗ thì cứ lỗ
Thị trường vàng trong nước đang dần quen với nghịch cảnh: giá vàng SJC tăng thì cứ tăng, người mua lỗ thì cứ lỗ. Sau 1 tuần giao dịch, giá vàng SJC đã tăng 2 triệu đồng/lượng nhưng người mua vẫn lỗ từ 700.000 đồng tới 1,05 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC đóng cửa tuần ở mức: 74 triệu đồng/lượng – 77 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước. Dù giá vàng SJC tăng 2 triệu đồng/lượng nhưng giá bán ra cao hơn giá mua vào tới 3 triệu đồng/lượng nên người mua vào vẫn lỗ 1 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức: 73,95 triệu đồng/lượng – 76,95 triệu đồng/lượng, tăng 1,95 triệu đồng/lượng. Sau 1 tuần mua vào, nhà đầu tư lỗ 1,05 triệu đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ “chốt” giá vàng SJC tuần này ở mức: 74,50 triệu đồng/lượng – 77,50 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tăng 2,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra (tương đương 3,05%). Nhà đầu tư đã lỗ 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu dừng ở mức: 74 triệu đồng/lượng – 76,90 triệu đồng/lượng, tăng 1,75 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tăng 2,15 triệu đồng/lượng chiều bán ra (tương đương 2,88%). Sau 1 tuần, người mua đã lỗ 750.000 đồng/lượng.
“Đồng hành” cùng vàng SJC là vàng phi SJC. Dù không biến động chóng mặt như vàng SJC, vàng phi SJC cũng khiến nhà đầu tư thua lỗ dù giá vẫn tăng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long đang được giao dịch ở mức: 63,42 triệu đồng/lượng – 64,52 triệu đồng/lượng, tăng 840.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, tương đương 1,32%.
Tại công ty PNJ, giá vàng PNJ tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua vào, tăng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra lên 62,40 triệu đồng/lượng – 63,50 triệu đồng/lượng.
Người mua vào vàng rồng Thăng Long và PNJ đều thua lỗ nhẹ.
Giá vàng SJC tăng mạnh gấp 11,3 lần vàng thế giới
Suốt thời gian qua, nhà đầu tư vàng luôn phải đối diện với 2 rủi ro. Đó là giá bán ra quá cao so với giá mua vào và giá trong nước quá cao so với vàng thế giới.
Trước “cơn bão vàng” diễn ra từ cuối tháng 12/2023, Thủ tướng đã đã chỉ đạo phải có biện pháp giảm khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới nhưng tuần này, giá vàng SJC vẫn tăng mạnh gấp 10 lần vàng thế giới.
Đóng cửa tuần này, giá vàng thế giới dừng ở mức 2.049,7 USD/ounce, tăng gần 6 USD/ounce, tương đương 0,27% so với cuối tuần trước. Như vậy, giá vàng SJC đã có đà tăng cao gấp… 11,3 lần vàng thế giới.
Ở mức giá 2.049,7 USD/ounce của vàng thế giới, giá vàng SJC tương đương 61,23 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC đang đắt hơn vàng thế giới khoảng 15,77 triệu đồng/lượng. Đây là chênh lệch rất cao, có nguy cơ mang lại nhiều rủi ro cho người mua.
Trong tuần này, dù kim loại quý gần như đi ngang nhưng bất ổn địa chính trị đã khiến niềm tin vào sự lấp lánh của vàng trong tuần sau trở nên mạnh mẽ.
Tuần này, mười nhà phân tích Phố Wall đã tham gia Khảo sát vàng của Kitco News và họ thậm chí còn lạc quan hơn so với tuần trước. Bảy chuyên gia, tương đương 70%, dự đoán giá vàng sẽ tăng cao hơn vào tuần tới, trong khi chỉ có một nhà phân tích, chiếm 10%, dự đoán giá vàng sẽ giảm. Hai chuyên gia còn lại, tương đương 20% trong tổng số, có quan điểm trung lập về vàng trong tuần tới.
Trong khi đó, 121 phiếu bầu đã được bỏ trong các cuộc thăm dò trực tuyến của Kitco, trong đó những người tham gia thị trường tiếp tục xu hướng thận trọng gần đây về hiệu suất tiềm năng của vàng. 59 nhà đầu tư bán lẻ, chiếm 49%, kỳ vọng vàng sẽ tăng vào tuần tới. 39% khác, tương đương 32%, dự đoán giá sẽ thấp hơn, trong khi 23 người được hỏi, tương đương 19%, giữ quan điểm trung lập về triển vọng ngắn hạn của kim loại quý.
Trong tuần tới, Bob Haberkorn, Nhà môi giới hàng hóa cao cấp tại RJO Futures. cho biết thị trường sẽ theo dõi những gì xảy ra ở Trung Đông.
Ông nói: “Tôi có thể thấy vàng trên thực tế sẽ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại một lần nữa do rủi ro địa chính trị vào tuần tới”.