Thời gian qua, ngày càng nhiều trường công lập tại TP.HCM bắt đầu dạy thêm IELTS cho học sinh (HS) với chi phí phải chăng, trong bối cảnh ngoại ngữ không còn là môn thi THPT bắt buộc từ năm 2025, và các trường ĐH đang phổ biến xu hướng dùng các chứng chỉ quốc tế làm tiêu chí tuyển sinh. Để chương trình này thật sự hiệu quả, theo chuyên gia, giáo viên (GV) là một nhân tố trọng tâm.
PHẢI ĐÀO TẠO BÀI BẢN
Là giảng viên TESOL (giảng dạy tiếng Anh) đạt chuẩn quốc tế, bà Nguyễn Lê Tuyết Ngọc, Giám đốc đào tạo IELTS quốc gia Cơ quan khảo thí MTS (Anh), cho rằng để dạy tốt lớp IELTS, GV cần được đào tạo về học thuật và năng lực sư phạm, chứ không phải điểm cao là mặc nhiên dạy giỏi. Bởi, thi IELTS có thể đánh giá trình độ ngôn ngữ của GV, nhưng chưa phản ánh được khả năng của thầy cô ở khía cạnh luyện thi.
“Nhìn chung, chương trình đào tạo GV dạy chứng chỉ gồm các nội dung như kiến thức chuyên sâu về cấu trúc bài thi, cách đặt mục tiêu cho quá trình dạy, thiết kế giáo án và hoạt động cho lớp học, cũng như phương pháp giải quyết vấn đề của cả HS lẫn GV. Và với những kiến thức, kỹ năng như trên, GV có thể áp dụng linh hoạt ở bất kỳ chứng chỉ nào khác như TOEFL, PTE, FCE, CAE…”, bà Ngọc nhận định.
Để quá trình đào tạo đạt hiệu quả, chuyên gia lưu ý điều quan trọng nhất là hun đúc động lực đi học cho thầy cô, nhất là với những GV đã có nhiều năm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, khi dạy luyện thi cho HS, GV cũng cần biết cách tạo cảm hứng học tập, tránh nhồi nhét và gây áp lực. “Không nên dạy IELTS bằng cách cho làm đề và sửa bài liên tục, mà cần tập trung xây dựng kỹ năng nền cho HS ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Sau đó, hãy hướng các em đến việc thi cử”, bà Ngọc khuyên.
“Ngoài tự tổ chức hay tạo điều kiện để GV tham gia các khóa đào tạo dạy IELTS, ban giám hiệu nhà trường cũng cần hỗ trợ thầy cô ở những mặt khác như kiểm tra trình độ ngôn ngữ và phân nhóm HS theo năng lực, lắng nghe ý kiến và tìm cách “gỡ khó” cho thầy cô. Sự phối hợp tốt giữa nhà trường và GV sẽ là “chìa khóa” thành công của việc dạy thêm IELTS ở trường công”, bà Ngọc đúc kết.
“Hiện có rất nhiều phương pháp đào tạo GV trên thế giới. Một trong những hình thức phổ biến là đào tạo dựa trên khung giảng dạy tiếng Anh và từ đó rẽ qua các nhánh nhỏ như dạy luyện thi các chứng chỉ, dạy chương trình chuyên biệt như tiếng Anh doanh nghiệp. Tốt nghiệp từ các trường sư phạm hoặc có chứng chỉ liên quan sẽ giúp GV có nền tảng tốt để tham gia các khóa về dạy IELTS”, bà Ngọc nói thêm.
GIÁO VIÊN BẢN NGỮ CŨNG LÀ VẤN ĐỀ
Dù dạy thêm IELTS trong trường công là một động thái phù hợp với xu hướng quốc tế hóa giáo dục tại VN, nhưng theo chuyên gia, vẫn còn nhiều khó khăn.
“Đó là vì GV được đào tạo qua 4 năm ĐH để nắm vững kiến thức ngôn ngữ học và kỹ năng sư phạm để dạy giỏi tiếng Anh tổng quát chứ không để luyện thi chuyên nghiệp. Chưa kể, thực tế môi trường phổ thông hiện nay chưa thể cung cấp đủ điều kiện và công cụ cho thầy cô như ở các trung tâm”, tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh TP.HCM, lý giải.
Cũng theo thầy Lộc, GV công lập hoàn toàn có thể giúp HS đạt điểm cao IELTS, quan trọng là có những nguồn lực cần thiết. Theo đó, thầy cô phải được tập huấn để hiểu rõ về bài thi, cách làm bài, cũng như được hỗ trợ để phát triển 4 kỹ năng.
Thạc sĩ Lù Thị Hồng Nhâm, Giám đốc Công ty tư vấn du học và dịch thuật Đức Anh, thì cho rằng để tránh tình trạng dạy thêm IELTS ở trường công trở nên méo mó, thầy cô phải “đạt chuẩn” về kiến thức, kỹ năng sư phạm để dạy IELTS. Nếu không, tiết học sẽ chỉ xoay quanh những thủ thuật và mẹo làm bài, khiến cả thầy lẫn trò lãng phí thời gian, công sức.
GV bản ngữ cũng là một nhân tố cần chú ý. Bởi có không ít người nước ngoài đến VN dạy học mà không có bằng cấp liên quan đến lĩnh vực sư phạm, mà “đối phó” bằng việc đăng ký học và thi chứng chỉ dạy tiếng Anh như TELF, vốn chỉ kéo dài trong vài tuần. “Chất lượng của GV bản ngữ dạy IELTS cũng là một câu hỏi lớn”, bà Nhâm đặt vấn đề.
Mở đường hội nhập quốc tế
Cũng theo thạc sĩ Hồng Nhâm, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS cũng là một tiêu chí tuyển sinh của các trường, nhưng đây chỉ là yếu tố xếp cuối trong quá trình tuyển sinh, xét học bổng ở những quốc gia du học phổ biến như Mỹ, Anh hay Úc. “Yếu tố đầu tiên và tiên quyết chính là học lực, thể hiện qua điểm trung bình (GPA) và điểm bài thi chuẩn hóa (như SAT, ACT); thứ hai là điểm nổi bật của ứng viên, dựa trên khả năng lãnh đạo, sự cống hiến cho cộng đồng…”, bà Nhâm lưu ý.
Ông Andy Phạm, quản lý cấp cao khu vực Mê Kông của ĐH Quốc gia Úc, đánh giá việc phổ cập dạy IELTS trong trường giúp HS có thêm lợi thế không chỉ ở câu chuyện đầu vào. “Ở môi trường quốc tế tiếng Anh là “chìa khóa” để các bạn tiếp thu, trao đổi nội dung bài giảng với bạn học và giáo sư. Và việc tạo điều kiện cho HS trường công tiếp xúc sớm với IELTS có thể giúp các bạn hòa nhập nhanh hơn”, ông Andy chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q, thì nhận định IELTS là bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh qua các chủ đề khác nhau. “Vì thế, mục đích các trường hướng đến khi dạy thêm IELTS không chỉ là để đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, mà rộng ra chính là nâng cao khả năng hội nhập của HS trong bối cảnh toàn cầu hóa, thay vì chỉ học đối phó như trước đây”, ông Quang cho hay.
TRÁNH “TĂNG TẢI” CHO HS THAY VÌ GIẢM TẢI
Ngoài ra, nữ giám đốc này cũng trăn trở về mặt tổ chức chương trình dạy thêm IELTS ở trường công, nhất là khi có trường giao phó hoạt động dạy IELTS cho các trung tâm liên kết. Việc bố trí nội dung và số lượng tiết học cũng phải khoa học để tránh “tăng tải” cho HS thay vì giảm tải như định hướng của Bộ GD-ĐT. “Và sau khi kết thúc khóa học, cần có sự so sánh giữa các trường dạy thêm IELTS và các trường không áp dụng chương trình này để đánh giá toàn diện”, bà Nhâm cho hay.
Tuy nhiên, theo bà Nhâm, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực tích cực của nhà trường nhằm phổ cập IELTS cho HS, giúp các em có điều kiện khó khăn tiếp cận với nguồn tài nguyên hữu ích. “Nâng cao chất lượng GV và công tác tổ chức, không nên ép buộc HS tham gia chương trình này, đó là những gì cần làm để việc dạy và học IELTS trong trường phổ thông thực chất và hiệu quả”, bà Nhâm đề xuất.
Một bài học sư phạm
Khảo sát thực tế cho thấy, không phải trường nào cũng triển khai dạy IELTS trong lớp học. Khi đó, GV có thể làm gì để giúp HS hiểu thêm về bài thi này nếu các em có nhu cầu? Tiến sĩ Phùng Thùy Linh, sáng lập viên Eduling International, đồng thời là Giám đốc Chương trình tiếng Anh tại ĐH Chatham (Mỹ), thừa nhận đây cũng là vấn đề chị gặp phải khi dạy tiếng Anh cho sinh viên quốc tế.
“Trong lớp học, chúng tôi cũng lồng ghép một chút nội dung về các bài thi cho những bạn có nhu cầu luyện chứng chỉ. Tuy nhiên, HS sẽ dễ nhàm chán nếu tài liệu học tập chỉ tập trung vào việc luyện thi. Một điểm đáng chú ý khác là những kỹ năng mà các bài thi yêu cầu chưa thực sự phản ánh được việc sử dụng ngôn ngữ thật sự, cũng như chưa giúp phát triển các năng lực khác như giao tiếp đa văn hóa”, chị Linh nói.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Linh, GV cũng cần được hỗ trợ khi phải song song các chương trình khác nhau để làm rõ mục tiêu giảng dạy; đồng thời, thầy cô cũng cần được đào tạo để hiểu về bài thi IELTS và các thể loại bài thi khác nhau, cũng như để có kỹ năng giảng dạy, từ đó mới phát triển được khả năng tiếng Anh, vừa giúp HS chuẩn bị cho kỳ thi.