Văn phòng Sở GD-ĐT Bắc Giang mới có văn bản gửi các phòng GD-ĐT huyện, thành phố cùng các đơn vị trực thuộc, trong đó có lịch nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, cán bộ công chức, viên chức và người lao động cơ quan sở GD-ĐT, phòng GDĐT các huyện, thành phố; cán bộ, giáo viên, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, các trung tâm trực thuộc sở GD-ĐT nghỉ tết Nguyên đán 2024 từ thứ năm (ngày 8.2) đến hết thứ tư (ngày 14.2) tức là từ ngày 29 tháng chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng giêng năm Giáp Thìn.
“Sau kỳ nghỉ tết, các đơn vị khẩn trương ổn định nền nếp dạy, học và làm việc bình thường. Đồng thời gửi báo cáo tổng hợp tình hình trước, trong và sau tết của đơn vị, số học sinh nghỉ học ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ tết về sở GD-ĐT chậm nhất ngày 16.2”, Sở GD-ĐT Bắc Giang yêu cầu.
Trao đổi với báo chí, đại diện Sở GD-ĐT Bắc Giang cho hay, thời gian nghỉ tết như trên tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH về phương án nghỉ tết Nguyên đán cho công chức, viên chức, người lao động. Với các nhà trường, số ngày nghỉ tết như vậy đảm bảo thời gian dạy học không bị dồn vào những tháng sau này.
Ngoài Bắc Giang, một số tỉnh cũng cho học sinh nghỉ tết dưới 10 ngày như Nam Định (9 ngày), Hà Nội (8 ngày). Còn lại phần lớn các địa phương đã công bố lịch nghỉ tết Nguyên đán đều cho học sinh nghỉ trên 10 ngày, có nơi cho nghỉ 15 – 16 ngày.
Dù lịch nghỉ tết của Hà Nội đã công bố từ ngày 10.1 nhưng đến hôm nay (12.1), trên các nhóm mạng xã hội dành cho học sinh Hà Nội, chủ đề về lịch nghỉ tết của Hà Nội ít hơn các địa phương khác vẫn nhận được sự quan tâm, bàn luận sôi nổi của học sinh, phần lớn là các em ở cấp THPT.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải: lịch nghỉ tết Nguyên đán năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thành phố Hà Nội được xây dựng theo khung thời gian đã được Thủ tướng phê duyệt. Căn cứ thông báo của UBND thành phố về nội dung này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ để đề xuất UBND TP.Hà Nội phương án phù hợp nhất với mục tiêu bảo đảm an toàn cho học sinh và tạo thuận lợi, yên tâm cho phụ huynh học sinh.
“Đây là phương án đã được sở GD-ĐT cân nhắc kỹ và tính đến nhiều tình huống nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho học sinh. Nếu cho học sinh nghỉ dài hơn thì nhiều gia đình, nhất là với các gia đình có con ở độ tuổi mầm non, tiểu học sẽ rất khó khăn khi không có người trông con do bố mẹ đi làm theo lịch chung”, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ.
Theo quyết định khung kế hoạch thời gian năm học 2023 – 2024 mà Bộ GD-ĐT ban hành, kế hoạch thời gian năm học của các địa phương do UBND cấp tỉnh ban hành, phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương. Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.
Bộ GD-ĐT cũng đưa ra nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương như sau: với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phải đảm bảo đủ 35 tuần thực học (học kỳ 1 có 18 tuần, học kỳ 2 có 17 tuần), với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục THCS và THPT).