Ngoại hành tinh được đề cập trong bài viết này được gọi là LHS 1140b, quay quanh một ngôi sao lùn đỏ, nhỏ mờ có tên là LHS 1140 (kích thước bằng 1/5 Mặt trời) nằm trong chòm sao Cetus. Thực ra, ngoại hành tinh này được phát hiện vào năm 2017 và đã được quan sát bằng nhiều kính thiên văn kể từ đó.
Những quan sát này lần đầu tiên thuyết phục các nhà nghiên cứu rằng, LHS 1140b là một hành tinh đá lớn hơn Trái đất khoảng 1,43 lần, nó có đường kính 18.221 km, so với đường kính Trái đất là 12.742 km. Hành tinh này có khối lượng gấp khoảng 6,6 lần Trái đất và có lẽ được tạo thành từ đá với lõi sắt dày đặc.
Tiến sĩ Jason Dittmann, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian nhận định: “LHS 1140b chứa một dạng cấu trúc đơn giản bao gồm lõi sắt dày đặc được bao quanh bởi lớp phủ magie silicat. Chúng tôi kết luận rằng, LHS 1140b là một hành tinh đá không có lớp vỏ khí đáng kể”.
Nhưng một phân tích mới từ tất cả các quan sát hiện có đã chỉ ra, LHS 1140b không đủ độ đậm đặc để chỉ chứa toàn đá không, mà nó phải chứa nhiều nước hơn Trái đất, hoặc sở hữu bầu khí quyển rộng lớn chứa đầy các nguyên tố nhẹ như hydro và heli.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể biết quan điểm nào trong hai quan điểm trên là đúng, nhưng Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) có thể tìm ra câu trả lời trong những năm tới. Và nếu LHS 1140b thực sự là một thế giới giàu nước thì ngoại hành tinh này sẽ trở thành mục tiêu số 1 cực kỳ quan trọng trong cuộc tìm kiếm sự sống bên ngoài Hệ Mặt trời.
Charles Cadieux, nhà thiên văn học kiêm nhà nghiên cứu tại Đại học Montreal và cũng là tác giả chính của nghiên cứu mới, nói với trang Space.com: “Đây là một kịch bản thực sự thú vị về khả năng sinh sống ngoài vũ trụ”.
Kể từ lần đầu tiên phát hiện ra một ngoại hành tinh vào năm 1992, các nhà thiên văn học sau đó đã xác nhận có hơn 5.500 ngoại hành tinh quay quanh các ngôi sao trong thiên hà Milky Way. Tuy nhiên, trong số những ngoại hành tinh đã biết, chỉ một số ít có khả năng sinh sống được, Cadieux cho biết thêm.
HUỲNH DŨNG(Nguồn: Space/Sci.news)