Từ nhiều năm qua, thưởng Tết cao ở các trường đại học, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) liên tiếp được nhắc tên.
Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) liên tiếp được nhắc tên do thưởng tết giảng viên cao. (Nguồn: HUTECH) |
Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH)
Nói đến thưởng Tết cao ở các trường đại học, nhiều năm qua, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) liên tiếp được nhắc tên.
Trường lọt vào nhóm 9 trường đại học đạt doanh thu từ 1.000 tỷ đồng năm 2022 này được cho là có mức thưởng Tết từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Chia sẻ về con số “thưởng Tết cao nhất 100 triệu đồng”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho biết, cách hiểu thưởng Tết cao nhất ở trường là 100 triệu đồng là chưa chính xác.
Ông Nguyễn Quốc Anh thông tin, hàng năm thưởng Tết tại Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh thực hiện theo quy chế lương tháng 13 cho cán bộ, nhân viên, giảng viên.
Cụ thể, mọi người sẽ có mức thưởng Tết tương đương một tháng lương mình đang nhận. Một cách dễ hình dung, một người đang nhận mức lương 20 triệu đồng sẽ nhận thưởng Tết 20 triệu đồng.
Còn với mức thưởng cao nhất, ông Anh cho biết, rất khó trả lời được một cách chính xác do mức lương thuộc về thông tin cá nhân của người lao động.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thông tin, nhiều năm nay, trường luôn duy trì mức thưởng Tết theo quy tắc tất cả mọi người như nhau, không phân biệt vị trí công việc.
Cụ thể, năm 2024, trường quyết định thưởng Tết Nguyên đán cho cán bộ giảng viên, người lao động ở mức 1,5 lần so với thù lao thỏa thuận.
Ngoài con số trên, trường còn áp dụng các mức thưởng khác nhau theo khung năng lực cho từng cá nhân hoàn thành tốt công việc trong năm 2023.
Bên cạnh đó, công đoàn trường sẽ tặng hơn 1.200 phần quà Tết cho tất cả cán bộ nhà trường; hỏi thăm, tặng quà đối với cán bộ hưu trí, những gia đình cán bộ, công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn.
Theo trường, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, dù mức thưởng của trường ở mức trung bình so với nhiều đơn vị khác nhưng là sự cố gắng, nỗ lực của cấp lãnh đạo trường. Qua đó, động viên, giúp giảng viên, người lao động đón Tết vui vẻ, ấm cúng và có thêm động lực làm việc.
Trường Đại học Văn Lang
Tại Trường Đại học Văn Lang, nhiều giảng viên, nhân viên cho biết, thông tin thưởng Tết đối với người lao động thường được bí mật đến phút chót.
Tuy nhiên, trong thông báo tuyển dụng mới nhất của trường này vào tháng 5/2023, chế độ đãi ngộ vào dịp Tết sẽ có tháng lương thứ 13 với ít nhất là một tháng lương.
Ngoài ra, các dịp lễ Tết khác trong năm, giảng viên được thưởng tối thiểu 1 triệu đồng/lần. Con của người lao động khi theo học tại hệ thống trường được giảm 50% học phí ở bậc đại học và 30% ở bậc dưới đại học.
Thông tin từ Trường Đại học Văn Lang, thu nhập tối thiểu đối với giảng viên, giảng viên nghiên cứu trình độ tiến sĩ là 350 triệu đồng/năm.
Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Theo chế độ đãi ngộ đăng tải của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, người lao động được hưởng 14 suất phúc lợi vào các dịp lễ, Tết tương đương 21 triệu đồng/năm theo quy chế chi tiêu nội bộ.
Mức chi trả suất phúc lợi này được điều chỉnh hằng năm, phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của trường.
Trường thông tin, họ áp dụng chính sách khen thưởng minh bạch, công khai dựa trên kết quả đánh giá thực hiện công việc hằng năm đối với từng viên chức và người lao động theo quy định hiện hành của nhà nước; đồng thời, còn có chính sách vinh danh, khen thưởng riêng của trường.
Mức thu nhập tham khảo được Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh công bố đối với thạc sĩ từ 20-35 triệu đồng/tháng, tiến sĩ từ 25-40 triệu đồng/tháng; Phó Giáo sư từ 45-65 triệu đồng/tháng; Giáo sư từ 50 đến 70 triệu đồng/tháng tùy số năm làm việc.
Mức thu nhập tham khảo bao gồm lương nhà nước, thu nhập của trường, phụ cấp, phúc lợi, thưởng Tết, thù lao từ hoạt động giảng dạy/nghiên cứu, tính bình quân theo tháng.
Đại học Bách khoa Hà Nội
Năm 2020, lần đầu tiên một trường đại học Việt Nam đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng là Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai năm sau, từ năm 2022, có 9 trường đại học đạt doanh thu từ năm 2022 từ 1.000 tỷ đồng theo thống kê từ báo cáo Ba công khai và đề án tuyển sinh của các trường đại học.
Nhóm 9 trường “ngàn tỷ” xếp theo thứ tự doanh thu từ cao đến thấp gồm Trường Đại học Văn Lang, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trong đó, Trường Đại học Văn Lang có doanh thu cao nhất với 1.758 tỷ đồng. Đây cũng là trường có mức tăng doanh thu nhanh nhất, tăng đến hơn 4 lần trong giai đoạn 5 năm xuất phát với doanh thu năm 2018 chỉ với 408 tỷ đồng.
(theo Dân trí)