Trường ĐH Ngoại thương vừa công bố các phương thức xét tuyển đại học chính quy năm 2024, trong đó có một điểm mới đáng chú ý.
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương lên tiếng về phương thức xét tuyển đại học chính quy năm 2024. (Nguồn: VietNamNet) |
Đại diện Trường ĐH Ngoại thương vừa lý giải về việc năm 2024 bổ sung thêm điều kiện thi THPT phải đạt sàn 24 điểm đối với các phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT.
Trường ĐH Ngoại thương vừa công bố các phương thức xét tuyển đại học chính quy năm 2024, gồm:
Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia/đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đạt giải (Nhất, Nhì, Ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12, và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên, hệ không chuyên của các trường THPT.
Phương thức 3: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo các tổ hợp môn xét tuyển của trường.
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM tổ chức trong năm 2024
Phương thức 6: Xét tuyển thẳng năm 2024.
Xét tuyển đặc thù với Chương trình định hướng phát triển quốc tế: Kinh tế chính trị quốc tế.
Nếu so với năm 2023, về cơ bản các phương thức xét tuyển của Trường ĐH Ngoại thương năm 2024 không thay đổi. Tuy nhiên, có một điểm mới đáng chú ý của năm 2024 là ở các phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT đã được Trường ĐH Ngoại thương thêm điều kiện là điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh phải đảm bảo mức sàn của trường là 24 điểm trở lên.
Cụ thể, với phương thức 1 và 2, năm 2024, thí sinh phải đáp ứng thêm điều kiện có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên.
Đây là một cách để nâng cao chất lượng đầu vào, qua đó trường có thể lựa chọn những thí sinh tốt nhất được xét tuyển vào.
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho hay, năm 2024, nhà trường cơ bản vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển so với năm ngoái. “Hàng năm, nhà trường thực hiện đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên được xét tuyển ở các phương thức khác nhau và nhận thấy chất lượng đồng đều giữa các phương thức. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn giữ ổn định để thí sinh không bị ảnh hưởng tâm lý vào giai đoạn cuối chuẩn bị xét tuyển”.
Lý giải về điều chỉnh đối với các phương thức có sử dụng kết quả học tập THPT, bà Hương cho hay, trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm của giáo dục phổ thông, nhà trường đã cân nhắc các nhóm đối tượng phù hợp và tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp cũng như các điều kiện cao để đảm bảo rằng trường có thể lựa chọn được nhóm thí sinh tốt nhất khi xét tuyển vào.
“Việc bổ sung thêm điều kiện cần về đảm bảo điểm sàn thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển chung của trường với 2 lý do. Thứ nhất để thống nhất áp dụng điểm sàn thi THPT ở mức giỏi là 24 điểm cho các phương thức. Thứ hai, có thể sử dụng đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT như là một công cụ gián tiếp giúp các trường phổ thông chuẩn hoá công tác đánh giá học sinh.
Chúng ta cũng không nên có tâm lý phủ nhận kết quả đánh giá trong cả một quá trình của giáo dục phổ thông mà nên tôn trọng, chấp nhận có cơ sở khoa học và đồng hành để giúp cho hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng tốt hơn và tiệm cận với giáo dục quốc tế”, bà Hương nói.