Ăn nhiều muối, uống ít nước, lạm dụng rượu có thể khiến cơ thể viêm nhiễm và lão hóa nhanh hơn so với tuổi.
Hút thuốc lá, uống rượu
Những thói quen xấu này tăng thêm căng thẳng và viêm nhiễm trong cơ thể. Uống rượu gây mất nước, dẫn đến các bệnh về gan, tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và mất trí nhớ. Nam giới không nên uống quá hai ly rượu mỗi ngày và một ly với nữ giới.
Ăn mặn
Tiêu thụ nhiều muối khiến tế bào lão hóa nhanh hơn và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thức ăn chứa hàm lượng muối cao có thể ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày, tăng thêm gánh năng cho thận, dẫn đến cao huyết áp và đẩy nhanh tốc độ lão hóa. Lượng natri trung bình mỗi ngày cần đảm bảo trong khoảng 1.500 mg.
Không uống đủ nước
Mất nước ít cũng có thể làm khô da, hình thành nếp nhăn. Mất nước nghiêm trọng hoặc kéo dài có thể ảnh hưởng đến não, hậu quả là thiếu tập trung và thay đổi tâm trạng.
Đau lưng, khớp, cơ có thể xảy ra hoặc tăng nặng khi cơ thể thiếu nước. Uống 8-10 ly nước mỗi ngày có thể làm dịu đau lưng, khớp và cơ. Người bị đau xương khớp nên uống nhiều nước trong ngày.
Không nên uống nước ngọt có ga hoặc các thức uống có chất kích thích. Trái cây và rau chứa nhiều nước hỗ trợ làm sạch các tế bào. Khi uống đủ nước mỗi ngày, làn da được loại bỏ độc tố, dưỡng ẩm, mịn màng hơn và giảm tác động của lão hóa.
Không ăn đủ chất béo và đạm
Chất béo góp phần giữ ấm, cung cấp năng lượng, hỗ trợ tế bào phát triển, giúp cơ thể hấp thụ một số chất dinh dưỡng. Omega-3 (DHA, EPA) hạn chế tình trạng viêm, có lợi cho não. Chất béo này còn tăng mức cholesterol tốt, giảm tích tụ mảng bám trong động mạch, phòng nguy cơ đau tim.
Khối lượng cơ giảm khi già đi dễ gây chấn thương, tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Ăn nhiều protein giảm quá trình mất cơ, tăng khả năng trao đổi chất, làm chậm lão hóa.
Dùng nhiều đường bổ sung
Đường thúc đẩy hệ vi sinh vật không lành mạnh và gây viêm nhiễm, đẩy nhanh quá trình lão hóa. Khi cắt bỏ thực phẩm giàu đường, chế biến sẵn, chiên rán…, các dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể giảm.
Nhiều món tráng miệng không cung cấp đa dạng giá trị dinh dưỡng. Chúng thường chứa nhiều đường, khiến lượng đường trong máu tăng, cơ thể mệt mỏi, nhanh đói. Nếu bạn thích ăn ngọt nhưng lo lắng đường bổ sung nên chọn loại có lượng đường thấp như sữa chua Hy Lạp, chocolate đen.
Thực phẩm đóng hộp có thể chứa nhiều đường bổ sung. Người mua chọn loại trái cây, rau đóng hộp không thêm đường để tốt cho sức khỏe.
Lê Nguyễn (Theo Healthline, Hindustan Times)