Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế, đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là một trong những động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, việc quy hoạch phát triển Thủ đô có nghĩa đặc biệt chiến lược, khi hoàn thành sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền Tp. Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển.
Hiện nay, dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn tất và đang trong quá trình tham vấn ý kiến để đi vào giai đoạn hoàn thành cuối cùng. Một trong những nội dung đáng chú ý của Quy hoạch lần này là tầm nhìn và định hướng phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông của Thủ đô.
Thị phần vận tải hành khách công cộng đạt 35% – 40%
Theo đó, dự thảo Quy hoạch xác định phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại, dễ tiếp cận, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thân thiện với môi trường. Đảm bảo tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài.
Đặc biệt, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sẽ phát triển được một mạng lưới hoàn chỉnh, thuận tiện trong tổ chức giao thông, phối hợp hài hoà giữa các phương thức vận tải.
Cụ thể, về kết cấu hạ tầng, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20 – 26% cho đô thị trung tâm; đạt 18 – 23% cho các đô thị ngoài trung tâm và đạt 16 – 20% cho các thị trấn. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3 – 4%.
Mật độ mạng lưới vận tải hành khách công cộng đạt từ 2 – 3,0 km/km2 cho đô thị trung tâm và 2 – 2,5 km/km2 cho các đô thị ngoài trung tâm.
Về thị phần vận tải, phấn đấu hành khách công cộng đạt 35% – 40%; trong đó phấn đấu khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 50 – 55%, sau 2030 đạt 65 – 70%; các đô thị ngoài trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 40%, sau năm 2030 đạt khoảng 50%.
Với thị phần vận tải hành khách liên tỉnh, đường bộ khoảng 75 – 80%; đường sắt khoảng 10 – 15%; hàng không khoảng 7 – 10%. Thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh, đường bộ khoảng 65 – 70%; đường sắt khoảng 3 – 5%; đường thủy khoảng 25 – 30%.
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nêu trên, Hà Nội định hướng sẽ phát triển mạng lưới các phương thức giao thông khá đa dạng.
Về đường bộ, Hà Nội sẽ được kết nối bởi 13 tuyến cao tốc, bao gồm cao tốc Bắc Nam phía Đông, cao tốc Bắc Nam phía Tây, cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Hà Nội – Lào Cai, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng, cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long, cao tốc Chợ Bến – Yên Mỹ, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, đường Vành đai 5, cao tốc Nhật Tân – Nội Bài và cao tốc Phía Nam (điểm đầu từ đường vành đai 4, điểm cuối là Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô).
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ xây dựng, hoàn thiện mạng lưới quốc lộ trên địa bàn thành phố, nâng cấp các đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị theo quy mô đường đô thị, cụ thể: QL1, QL2, QL2C, QL3, QL5, QL6, QL21, QL21B, QL23, QL32. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp hệ thống tuyến đường tỉnh hiện có, đầu tư xây dựng mới các tuyến đường tỉnh đóng vai trò trục động lực phát triển. Hệ thống đường tỉnh quy hoạch quy mô tối thiểu cấp III đồng bằng, các đoạn tuyến qua khu vực đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt.
Phát triển ổn định mạng lưới đường sắt đô thị
Về phương án phát triển mạng lưới đường sắt, Hà Nội sẽ quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đi qua khu vực thành phố Hà Nội bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, đi theo hướng song song với đường sắt thống nhất hiện tại. Nghiên cứu phương án khai thác kết nối tàu đường sắt tốc độ cao vào tới ga Hà Nội thông qua tuyến đường sắt đô thị số 1.
Với đường sắt vành đai, sẽ phát triển vành đai phía Đông Thành phố Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Bắc Hồng – Thạch Lỗi dài 59km, khổ lồng, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác chuyển các đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên, Gia Lâm – Lạc Đạo và Ngọc Hồi – Nam Hồng thành đường sắt đô thị. Vành đai phía Tây Thành phố Hà Nội với đoạn Ngọc Hồi – Thạch Lỗi dài 54km, khổ lồng đi theo hướng tuyến đường Vành đai 4.
Đường sắt hướng tâm bao gồm 6 tuyến: tuyến Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Hà Nội – Lào Cai, tuyến Hà Nội – Hải Phòng, tuyến Yên Viên – Hạ Long – Cái Lân, tuyến Hà Nội – Thái Nguyên, tuyến Hà Nội – Lạng Sơn.
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ tiếp tục định hướng phát triển ổn định mạng lưới đường sắt đô thị đã được quy hoạch, với 14 tuyến cụ thể: Tuyến số 01 Ngọc Hồi – Yên Viên – Lạc Đạo, tuyến số 02 Sóc Sơn – Nội Bài – Thượng Đình – Bưởi, tuyến số 02A Cát Linh – Hà Đông – Xuân Mai, tuyến số 03 Sơn Tây – Trôi – Nhổn – Yên Sở – Cầu Diễn, tuyến số 04 Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà, tuyến số 05 Văn Cao – Hòa Lạc, tuyến số 06 Nội Bài – Mai Dịch, tuyến số 07 Mê Linh – Hà Đông – Ngọc Hồi, tuyến số 08 Sơn Động – Mai Dịch – Dương Xá, tuyến số 09 Ngọc Hồi – Thường Tín – CHK thứ 2 Vùng Thủ đô – Phú Xuyên, tuyến số 10 Mê Linh – Cổ Loa – Yên Viên – Dương Xá, tuyến số 11 Cát Linh – Lê Văn Lương – Vành đai 4, tuyến số 12 Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai, tuyến số 14 Vĩnh Tuy – Minh Khai – Trường Chinh – Láng – Nhật Tân.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu hệ thống tuyến monorail trên cao, chạy ven 2 bờ sông Hồng kết hợp du lịch, cảnh quan và tuyến chạy khu vực phố cổ.
Đối với đường thủy nội địa, dự thảo Quy hoạch xác định tập trung phát triển 3 hành lang vận tải thủy nội địa (Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội; Hà Nội – Nam Định – Ninh Bình; Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai); 3 tuyến vận tải thủy chính (Quảng Ninh – Hải Phòng – Việt Trì, Hà Nội – Lạch Giang, Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai) và 7 luồng đường thủy nội địa qua các sông trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, quy hoạch phát triển cảng khách đồng bộ theo các tuyến vận tải và phù hợp với quy hoạch đô thị của thành phố Hà Nội, không phát triển cảng hàng hóa tại hữu ngạn sông Hồng trong khu vực vành đai 3, phát triển các cụm cảng hàng hóa.
Đối với hàng không, dự thảo Quy hoạch nhấn mạnh sẽ cải tạo, nâng cấp cảng hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài thành cảng hàng không, sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 60 triệu HK/năm, định hướng đến năm 2050 đạt 100 triệu HK/năm, đóng vai trò đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không cho Thủ đô Hà Nội và cả vùng Thủ đô.
Với Cảng hàng không quốc tế thứ 2 Vùng Thủ đô, quy hoạch giai đoạn sau 2030 đạt 30 triệu HK/năm, hỗ trợ CHKQT Nội Bài và phục vụ nhu cầu khu vực phía Nam Vùng Thủ đô, vị trí dự kiến tại khu vực phía Nam huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Các sân bay Gia Lâm, Hòa Lạc sẽ đảm nhận khai thác lưỡng dụng quân sự và dân sự.
Đối với giao thông đô thị, dự thảo quy hoạch nhấn mạnh đến vai trò của mạng lưới đường vành đai Đường vành đai đô thị: Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3: Trùng với đường bộ cao tốc vành đai 3, Vành đai 3,5 và việc cải tạo, mở rộng kết hợp với xây dựng mới các trục chính đô thị.
Cũng trong định hướng phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, dự thảo Quy hoạch xác định xây dựng công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, trong đó cải tạo nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng; xây dựng mới các cầu, hầm gồm: cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Tầm Xá và cầu Bát Tràng; cầu Thăng Long mới, cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở, cầu Vân Phúc, cầu Tiên Dung, cầu Tín Châu – Đông Ninh, cầu Phú Xuyên – Chí Tân.
Xây dựng 8 cầu qua sông Đuống, trong đó 4 cầu đang sử dụng (cầu Đuống hiện hữu, cầu Phù Đổng 1 và 2, cầu Đông Trù), 1 cầu đang đầu tư (cầu Đuống mới) và 3 cầu xây dựng mới bao gồm: cầu Giang Biên, cầu Mai Lâm, cầu Ngọc Thụy.
Xây dựng 4 cầu qua sông Đà, trong đó 2 cầu đang sử dụng (cầu Trung Hà, cầu Đồng Quang) và 2 cầu xây dựng mới bao gồm: cầu Trung Hà mới (trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây), cầu Tu Vũ.
Xây dựng mới các cầu qua sông Đáy gồm: Cầu Thanh Đa (Trục Tây Thăng Long), cầu Đồng Hoàng (Trục Hà Đông – Xuân Mai), cầu Hoàng Thanh (trục huyện Thanh Oai), cầu Hòa Viên, cầu Sông Đáy (đường Đỗ Xá – Quan Sơn), cầu trên đường cao tốc Chợ Bến – Yên Mỹ v.v...