Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) đã xây dựng đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên kết, nhằm tạo nguồn thu chính đáng cho đơn vị. Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất hiện tại là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại khu liên hợp lại không cho phép đơn vị được kinh doanh, nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất (SDĐ).
Theo nội dung được quy định trong sổ đỏ do UBND TP.Hà Nội cấp năm 2007, khu liên hợp với hai công trình chính gồm sân Mỹ Đình (diện tích gần 225.000 m²) và Cung thể thao dưới nước (57.000 m²) là đất cơ sở thể dục thể thao, không được liên doanh liên kết với các doanh nghiệp (DN). Khu liên hợp đã có tờ trình để ngành thể thao báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền, tiến tới việc thay đổi nội dung sổ đỏ nói trên.
Khu liên hợp mong muốn tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 vào trung tuần tháng 1.2024, dự án luật Đất đai sửa đổi sẽ xem xét cả vấn đề SDĐ phục vụ thể dục thể thao vào mục đích kinh doanh. Trong suốt gần 20 năm qua, việc kinh doanh mặt bằng, cho thuê sân Mỹ Đình tổ chức bóng đá và các sự kiện văn hóa – thể thao khác là đã vi phạm quy định của nhà nước về sử dụng tài sản công.
Trên cơ sở được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ VH-TT-DL, UBND TP.Hà Nội, khu liên hợp đã hoàn tất đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên kết. Giai đoạn 2015 – 2026, khu liên hợp dự kiến hợp tác với 5 DN để đầu tư xây dựng 5 dự án phụ trợ phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe và mua sắm của khán giả khi tham dự các hoạt động tổ chức tại sân Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước. Các dự án gồm: Trung tâm dịch vụ và thương mại Mỹ Đình; Quần thể giao lưu văn hóa Việt – Nhật; Trung tâm thương mại và dịch vụ thể thao tổng hợp; Khu dịch vụ, văn hóa, du lịch Hoa An Viên; Khu giới thiệu sản phẩm văn hóa thể thao. Khu liên hợp muốn triển khai và quản lý hoạt động liên kết đảm bảo đúng pháp luật, tạo nguồn thu bền vững đóng góp vào công tác tự chủ của đơn vị, đặc biệt thực hiện các nghĩa vụ về thuế, tiền thuê đất đối với ngân sách. Nếu khai thác đúng pháp luật, khu liên hợp dự kiến sẽ thu về mỗi năm ít nhất từ 11 – 15 tỉ đồng. Nhưng các đề án nói trên sẽ vô giá trị nếu như sổ đỏ của khu liên hợp không thay đổi mục đích SDĐ.
Điều rất đáng lưu ý là hiện tại tình hình tài chính của khu liên hợp vô cùng khó khăn, các khoản nợ thuế khổng lồ và lãi chậm nộp phát sinh lũy kế đến hết năm 2023 đã lên tới hơn 930 tỉ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình không được ưu tiên do nguồn thu hiện nay chỉ đủ chi lương, điện nước và chi thường xuyên khác ở mức tối thiểu.