Hôm 10.1, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) phê duyệt 11 đơn đăng ký quỹ ETF Bitcoin của BlackRock, Fidelity, Invesco, VanEck, Ark Investments, 21Shares… Những quỹ này đã bắt đầu giao dịch vào sáng 11.1, khơi lên cuộc chiến giành thị phần khốc liệt. Dữ liệu LSEG cho thấy Grayscale, BlackRock và Fidelity đang thống trị khối lượng giao dịch. Trước đó, SEC từ chối nhiều đơn xin đăng ký ETF Bitcoin với lý do Bitcoin được ấn định trên những sàn giao dịch không được quản lý, khiến cơ quan không thể đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.
Theo Reuters, Bitcoin đã tăng gấp đôi giá trị trong năm 2023, dần dần phục hồi sau năm 2022 đầy biến động của ngành tiền số, khi nhiều công ty lớn như FTX sụp đổ. Ether tăng 5% lên 2.653 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5.2022.
Geoff Kendrick – Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản số tại ngân hàng Standard Chartered cho biết khi ETF Bitcoin được phê duyệt thì rất có khả năng ETF Ether cũng sẽ được cấp phép. Standard Chartered ước tính các quỹ ETF Bitcoin có thể thu hút từ 50 – 100 tỉ USD chỉ trong năm 2024.
Nick Ruck – Giám đốc Công ty blockchain ContentFi Labs cho biết, các tổ chức và nhà đầu tư giờ đây không còn phải dựa vào giao dịch hợp đồng tương lai hoặc quyền tự quản lý để tiếp cận với Bitcoin.
Vào năm 2023, JPMorgan nhận định các quỹ ETF Bitcoin ở một số thị trường khác như Canada và châu Âu không thu hút được sự quan tâm đáng kể từ nhà đầu tư, do đó việc ra mắt ETF ở Mỹ sẽ không trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi cho lĩnh vực tiền số.
Marion Laboure – Nhà chiến lược tại Deutsche Bank cho biết cần rất nhiều thời gian để biết được liệu việc ứng dụng rộng rãi có tác động đến hệ sinh thái tiền số và hệ thống tài chính hay không. Việc phê duyệt ETF mở ra một chương mới cho giá Bitcoin nhưng các điều kiện biến động vẫn có thể xảy ra.
Cộng đồng đầu tư luôn cảnh giác trước rủi ro của tiền số vì những vụ sụp đổ trước đây trong lĩnh vực này. Vào tháng 12.2023, Kristalina Georgieva – người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết chấp nhận tài sản tiền số rộng rãi có thể làm suy yếu sự ổn định tài chính vĩ mô.