Mỹ và đồng minh đã hết kiên nhẫn
Như đã biết, để đáp trả cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza và bày tỏ sự đoàn kết với các chiến binh Hamas, lực lượng Houthi tại Yemen đã công khai tuyên chiến với Israel. Không dừng lại ở lời nói, Houthi đã không kích Israel bằng tên lửa hành trình (nhưng đều bị bắn hạ) và đến đầu tháng 11, họ đẩy mức độ phản ứng lên một nấc thang mới khi tấn công các tàu thương mại có liên quan đến Israel đi qua eo biển Bab al-Mandab.
Eo biển này là nơi tất các các tàu từ Ấn Độ Dương muốn vào Biển Đỏ, muốn tiếp cận các cảng của Israel, đều phải đi qua. Nếu Bab al-Mandab bị tắc nghẽn, đường ra biển của Israel cũng không còn nữa.
Người phát ngôn quân đội Houthi, Tướng Yahya Saree tuyên bố họ muốn “ngăn chặn các tàu Israel di chuyển trên Biển Đỏ (và Vịnh Aden) cho đến khi hành động gây hấn của Israel chống lại những người anh em kiên định của chúng tôi ở Dải Gaza dừng lại”.
Báo chí phương Tây cho biết, rất ít tàu bị tấn công có liên hệ trực tiếp với Israel. Trong một vụ việc gần đây, một trong những con tàu như vậy – Unity Explorer – có kết nối rất mong manh với Israel. Nó thuộc sở hữu của một công ty Anh, trong đó có Dan David Ungar, sống ở Israel, là một trong những quan chức của công ty.
Truyền thông Israel xác định Ungar là con trai của tỷ phú vận tải biển Israel Abraham “Rami” Ungar. Nhưng đấy là con tàu hiếm hoi có kết nối rõ ràng với Israel. Bất kỳ mối liên hệ nào của Israel với các tàu khác bị Houthi tấn công đều không rõ ràng.
Cho đến trước ngày thứ Năm vừa qua, Hải quân Mỹ ước tính Houthi đã tiến hành 27 cuộc tấn công vào các tàu thương mại và thậm chí cả tàu quân sự trên Biển Đỏ. Trước các cuộc tấn công của Houthi, ngày 19/12, Mỹ đã thành lập một lực lượng hải quân quốc tế để bảo vệ các tàu bè đi qua Biển Đỏ, với sự tham gia của 10 quốc gia khác là Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles, Tây Ban Nha và Australia.
Ban đầu lực lượng này đánh chặn các tên lửa, UAV hoặc xuồng cao tốc của Houthi nhắm vào tàu thuyền trên Biển Đỏ. Nhưng sau bước leo thang hôm thứ Ba, khi Houthi tiến hành cuộc tấn công dữ dội chưa từng có với 18 UAV cảm tử, tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đạn đạo chống hạm vào một loạt tàu thương mại và tàu chiến quốc tế, thì liên quân mới quyết định hành động.
Mỹ và Anh đã cho không quân oanh kích các cơ sở bố trí tên lửa, radar và máy bay không người lái của Houthi nhằm làm suy giảm khả năng của lực lượng này trong việc tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn như vụ tấn công hôm thứ Ba. Các quan chức Mỹ cho biết, chiến dịch này của họ là chẳng đặng đừng, vì tự do hàng hải ở Biển Đỏ bị uy hiếp nặng nề.
Thông điệp rất rõ ràng. Nhưng vấn đề là tại sao Mỹ lại phải nhẫn nhịn với Houthi đến mức sau gần 30 cuộc tấn công của lực lượng này, họ mới đáp trả bằng những đòn không kích? Ở những nơi khác, những đối tượng khác, phản ứng của Mỹ nhanh và quyết liệt hơn nhiều.
Houthi là gì và mạnh như thế nào?
Câu trả lời nằm ở chính Houthi. Trong các diễn ngôn và trên nhiều phương tiện truyền thông, phương Tây thường gọi Houthi là “nhóm phiến quân”, hoặc “nhóm khủng bố”. Nhưng cách gọi ấy không chính xác.
Houthi là lực lượng vũ trang thuộc một nhánh của cộng đồng Hồi giáo Shia thiểu số ở Yemen, Zaidis. Họ lấy tên từ người sáng lập Hussein al Houthi. Chính thức được gọi là Ansar Allah (Những người ủng hộ Allah), lực lượng này được thành lập vào những năm 1990 để chống lại những gì họ coi là sự tham nhũng của Tổng thống lúc bấy giờ là Ali Abdullah Saleh.
Tổng thống Saleh, được quân đội Ả Rập Xê Út hậu thuẫn, đã cố gắng tiêu diệt Houthi vào năm 2003, nhưng bất thành. Năm 2011, một cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập đã buộc Ali Abdullah Saleh, phải từ chức sau ba thập kỷ nắm quyền. Theo hiệp định chuyển tiếp do Mỹ hậu thuẫn, Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi tạm thời nắm quyền trong lúc chờ một cuộc bầu cử mới.
Tuy nhiên, Houthi đã bác bỏ kế hoạch này. Và mâu thuẫn không thể hóa giải dẫn tới việc năm 2014, lực lượng Houthi lật đổ chính quyền chuyển tiếp của ông Abed Rabbo Mansour Hadi và chiếm thủ đô Sanaa.
Kể từ đó, Houthi đã tham gia vào cuộc nội chiến đẫm máu với chính quyền bị lật đổ. Trong khi Ả Rập Xê Út dẫn đầu một liên minh các nước Hồi giáo dòng Sunny hỗ trợ cho chính phủ lưu vong của Yemen thì Houthi, vốn là nhánh Hồi giáo theo dòng Shia, nhận được sự hậu thuẫn của Iran.
Cuộc nội chiến đã giết chết hơn 150.000 người, bao gồm cả các chiến binh và dân thường, đồng thời tạo ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Liên hợp quốc ước tính, hiện khoảng 21,6 triệu người, tương đương 80% dân số Yemen, đang cần một số hình thức hỗ trợ nhân đạo vì phải vật lộn để có đủ lương thực và tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Houthi, vì thế, phải xem là một lực lượng chính trị, những người trên thực tế đang cai trị miền bắc Yemen và thủ đô Sanaa. Hầu hết dân số Yemen sống ở các khu vực do Houthi cai quản. Và giống như Sanaa hoặc miền bắc Yemen, vùng duyên hải Biển Đỏ cũng nằm dưới sự kiểm soát của Houthi.
Houthi đang vận hành như một chính quyền khá đầy đủ chức năng. Họ thu thuế và in tiền. Họ có quân đội chính quy, được đào tạo bài bản với số lượng được Liên hợp quốc ước tính vào khoảng 100.000 đến 150.000 quân, cùng kho vũ khí khổng lồ.
Lực lượng này có hàng trăm xe tăng-thiết giáp, hàng nghìn khẩu pháo và hàng chục nghìn tên lửa-rocket các loại, từ rocket phóng loạt tầm bắn chục km cho tới tên lửa hành trình chống hạm có tên Tankil với tầm bắn gần 500 km, gần giống với tên lửa Raad-500 của Iran.
Ngoài ra, Houthi cũng được trang bị rất nhều UAV cảm tử, với đầu dò dẫn đường quang điện, có tầm bắn tối đa từ 600 đến 1.200 km, mang theo đầu đạn khoảng 40 kg. Trên bờ Biển Đỏ, Houthi có hàng chục điểm phòng thủ với tên lửa đất đối hải có tầm bắn lên tới 300 km cùng hệ thống radar tiên tiến.
Sức mạnh quân sự của Houthi hơn hẳn bất cứ lực lượng vũ trang nào mà phương Tây gọi là phiến quân ở Trung Đông, chẳng hạn như Hamas hay Hezbollah. Họ cũng vượt trội so với những tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Al-Qaeda hay thậm chí là Taliban, lực lượng đang kiểm soát Afghanistan.
Mối lo của Mỹ và đồng minh
Như đã đề cập, trong khi Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc không kích vào lực lượng dân quân mà họ rằng được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria, thì cho đến trước thứ Năm, họ vẫn chưa trả đũa lực lượng Houthi.
Sự miễn cưỡng đó phản ánh nhạy cảm về chính trị và phần lớn xuất phát từ những lo ngại rộng lớn hơn của chính quyền Tổng thống Joe Biden về khả năng đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn vốn đang lung lay ở Yemen và gây ra một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực. Nhà Trắng muốn duy trì thỏa thuận ngừng bắn và hết sức cân nhắc khi thực hiện các hành động để tránh mở ra một mặt trận chiến tranh khác.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã kiên trì nói về sự cần thiết phải tránh leo thang cuộc xung đột Israel-Hamas thành một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn. Hiện chưa rõ liệu các cuộc tấn công có mục tiêu nhằm vào các cơ sở của Houthi có vượt quá giới hạn và gây ra một cuộc chiến rộng lớn hơn hay không?
Nhưng, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông, Ả Rập Xê Út thì có lý do để lo lắng. Bởi các cuộc tấn công vào những địa điểm của Houthi ở Yemen không chỉ có thể làm đảo lộn các cuộc đàm phán hòa bình mà còn ẩn chứa nguy cơ khiến Ả Rập Xê Út phải hứng chịu màn đáp trả của Houthi. Trong quá khứ, lực lượng này từng nhiều lần tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các cơ sở dầu mỏ, căn cứ quân sự và thậm chí cả các thành phố lớn của Ả Rập Xê Út.
Mỹ và Ả Rập Xê Út đều không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến không hồi kết ở Trung Đông. Còn Houthi, vốn chẳng có gì để mất, lại luôn rất sẵn sàng. Đó là lý do, phải sau rất nhiều nhẫn nhịn, quân đội Mỹ mới tiến hành các cuộc không kích nhằm vào những cơ sở của Houthi. Vừa không kích, vừa nghe ngóng, như lời của người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder.
Nguyễn Khánh