Tham dự Cuộc họp Đối thoại chính sách môi trường Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 8, về phía Bộ TN&MT Việt Nam có Thứ trưởng Lê Công Thành cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía Nhật Bản có ngài Yagi Tetsuya, Quốc Vụ khanh Bộ Môi trường Nhật Bản, ngài Watanabe Shige – Phó Đại sứ – Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ vinh dự đón ngài Quốc Vụ khanh Yagi Tetsuya và các đồng nghiệp Bộ Môi trường Nhật Bản sang đồng chủ trì và tham dự Cuộc họp Đối thoại chính sách môi trường Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 8.
Thứ trưởng chia sẻ, kỳ họp Đối thoại chính sách Việt Nam – Nhật Bản đã được hai Bộ định kỳ phối hợp tổ chức trong nhiều năm qua. Kỳ họp thứ 8 lần này đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình hợp tác giữa hai Bộ khi Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ ký từ năm 2020 đã hết thời hạn 03 năm. “Chúng ta tổ chức Kỳ họp này cũng là cơ hội để cùng bàn bạc, thảo luận nhằm tiếp tục mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và giảm thiểu rác thải nhựa” – Thứ trưởng cho biết.
*Tăng cường hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu
Trân trọng mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có Bộ Môi trường Nhật Bản và Bộ TN&MT Việt Nam, ngài Yagi Tetsuya, Quốc Vụ khanh Bộ Môi trường Nhật Bản nhận định, sự hợp tác giữa hai Bộ thời gian qua đã đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực, nhất là trong lĩnh vực môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đó là việc Việt Nam tham gia Cơ chế Tín chỉ chung JCM do Chính phủ Nhật Bản đề xuất nhằm triển khai hợp tác song phương với các quốc gia đang phát triển. Đến nay, hơn 40 dự án liên quan tới Cơ chế JCM đã được thực hiện ở Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam tăng cường năng lực thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris đồng thời thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí nhà kính.
Đánh giá cao sáng kiến của Nhật Bản về Cơ chế JCM, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ, Bộ TN&MT đang nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ Việt Nam tăng cường quản lý tín chỉ carbon ở Việt Nam. Cơ quan chức năng của hai Bộ cũng rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung trong các Quy tắc, Hướng dẫn thực hiện Cơ chế JCM tại Việt Nam cho phù hợp với các quy định của hai nước và quốc tế trong giai đoạn 2021-2030, đảm bảo có đóng góp cho các cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Với mục tiêu của Sáng kiến “Đối tác triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris (A6IP)” do Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản khởi xướng trong tháng 11/2022 tại COP27, Thứ trưởng cho rằng việc tham gia cơ chế này sẽ giúp Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Việt Nam; xác định nhu cầu về hỗ trợ, xây dựng các quy trình và thủ tục cần thiết và tạo nền tảng cho nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa với các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris.
Sau khi đã có ý kiến đồng ý chính thức của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi thư thông báo tới đầu mối Sáng kiến của Bộ Môi trường Nhật Bản và tiến hành đăng ký thông tin tham gia trên trang thông tin điện tử chính thức của Sáng kiến do Bộ Môi trường Nhật Bản ủy quyền cho Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) của Nhật Bản chủ trì.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Bộ Môi trường Nhật Bản hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật về báo cáo và đánh giá triển khai Điều 6 này. Đồng thời, hiện nay Bộ TN&MT đang xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon ở Việt Nam, sẽ thí điểm vào năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2028. “Đây là một vấn đề rất mới với Việt Nam. Chúng tôi mong Bộ TN&MT Nhật Bản sẽ chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm đã đi trước về hoạt động này” – Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ.
Bàn về nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngài Yagi Tetsuya, Quốc Vụ khanh Bộ Môi trường Nhật Bản thông tin, Bộ Môi trường Nhật Bản đang nỗ lực để áp dụng biện pháp cảnh báo sớm ở các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua mô hình hợp tác công tư. Trao đổi với ngài Yagi Tetsuya, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam luôn tích cực quan tâm đến việc xây dựng giải pháp cho hệ thống cảnh báo sớm thiên tai. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn tại Việt Nam.
*Chung tay giải quyết ô nhiễm
Đề cập đến vấn đề ô nhiễm do rác thải nhựa, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ: Bộ Môi trưởng Nhật Bản đã hỗ trợ thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương; hỗ trợ tăng cường năng lực thông qua các khóa đào tạo và việc tổ chức các hội thảo chuyên đề về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam và các nước ASEAN. Thứ trưởng hy vọng trong thời gian tới, Bộ Môi trường Nhật Bản tiếp tục ủng hộ, hợp tác với Việt Nam về những nội dung này, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiệm vụ Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Về quản lý chất thải, theo ngài Yagi Tetsuya, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trang bị các cơ sở hạ tầng như công trình xử lý chất thải phát điện và xây dựng các quy chế để xử lý chất thải phù hợp. Tiếp tục với nỗ lực này, tháng 3 tới, Nhật Bản sẽ tổ chức đối thoại kỹ thuật để đưa ra các nội dung hợp tác cụ thể. Đến mùa thu năm 2024, hai bên sẽ tổ chức diễn đàn tuần hoàn kinh tế 3R Châu Á – Thái Bình Dương.
Trân trọng ghi nhận thành quả hợp tác giữa hai bên mà minh chứng rõ nhất là việc xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện ở Bắc Ninh, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Nhật Bản hỗ trợ thêm cho Việt Nam về quản lý rác thải điện tử và thu gom xử lý các khoáng chất trong loại rác thải này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hỗ trợ xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết thời hạn sử dụng.
Về vấn đề ô nhiễm không khí và nguồn nước, được biết, năm 2023, Bộ TN&MT đã hợp tác với Mạng lưới Giám sát lắng đọng axit Đông Á (EANET) thực hiện Dự án nghiên cứu về thiết bị cảm biến chi phí thấp (LCS) được sản xuất tại Nhật Bản nhằm mở rộng ứng dụng trong quan trắc chất lượng không khí. Thứ trưởng mong muốn Nhật Bản giúp Việt Nam tiếp tục tham gia và thúc đẩy phát triển các hoạt động của Mạng lưới Giám sát lắng đọng axit vùng đông Á (EANET) theo hướng mở rộng phạm vi, đa dạng về hình thức hoạt động; dần tiến tới kiểm soát, cải thiện vấn đề ô nhiễm không khí của khu vực thông qua các dự án nghiên cứu, tập huấn đào tạo, nâng cao năng lực trong quản lý chất lượng không khí; hợp tác nghiên cứu ứng dụng các công nghệ, thiết bị quan trắc mới nhằm phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng không khí về cả chiều rộng (số lượng trạm) và chiều sâu (các loại chất ô nhiễm).
Ngoài ra, Thứ trưởng đề xuất phía Nhật Bản hỗ trợ các nội dung liên quan đến kiểm soát môi trường không khí gồm: kiểm kê nguồn khí thải (từ các nguồn phát sinh khí thải lớn như Giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dân sinh); tăng cường năng lực cho một số tổ chức, đơn vị về đo kiểm khí thải xe mô tô 2 bánh; hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục…
Về xử lý ô nhiễm nguồn nước, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Luật Tài nguyên nước vừa được sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật mới đặc biệt quan tâm đến giải quyết ô nhiễm ở các đoạn sông, dòng sông bị ô nhiễm nặng. “Bộ TN&MT sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các đề án khắc phục tình trạng này. Bộ TN&MT Việt Nam mong muốn phía Nhật Bản cung cấp các kinh nghiệm quý báu, các chuyên gia tham gia hỗ trợ Bộ TN&MT thực hiện các đề án trên” – Thứ trưởng đề xuất.
Trân trọng ghi nhận các ý kiến của Thứ trưởng Lê Công Thành, ngài Yagi Tetsuya, Quốc Vụ khanh Bộ Môi trường Nhật Bản khẳng định, Bộ Môi trường Nhật Bản luôn sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng Bộ TN&MT Việt Nam thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
* Nhân dịp này, đại diện hai Bộ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành và ngài Yagi Tetsuya, Quốc Vụ khanh Bộ Môi trường Nhật Bản đã ký kết Bản Ghi nhớ nhằm tăng cường, tạo điều kiện và thúc đẩy hợp tác chung trong lĩnh vực môi trường, tái khẳng định tầm quan trọng của các hành động nhằm thực hiện nhanh chóng và thành công Thỏa thuận Paris, và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs)./.
Hoạt động hợp tác có thể được thông qua các lĩnh vực được hai bên thống nhất liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như sau:
1. Biến đổi khí hậu: thích ứng và ứng phó; Đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV); Công nghệ khử cacbon;
2. Môi trường: Quản lý rác thải bao gồm rác thải điện tử và kinh tế tuần hoàn; rác thải nhựa đại dương và ô nhiễm nhựa; ô nhiễm nước và không khí; công nghệ môi trường, bảo vệ môi trường đối với ô nhiễm hóa chất; đánh giá tác động môi trường;
3. Thành phố bền vững môi trường;
4. Bảo tồn đa dạng sinh học;
5. Các lĩnh vực bảo vệ và cải thiện môi trường khác có thể được hai bên thống nhất.