Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 tổ chức ngày 11/1, các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã có những nhận định về tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và những khuyến nghị. Thoibaonganhang.vn ghi lại ý kiến các chuyên gia về vấn đề này.
2023 – một năm kiên cường của kinh tế Việt Nam
|
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương:
Thúc đẩy các cơ chế, chính sách tạo động lực tăng trưởng mới
Ông Nguyễn Đức Hiển: Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương |
Theo tôi, trong thời gian tới chúng ta cần động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư. Hiện nay, các cơ chế, chính sách đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân còn rất nhiều rào cản, chính sách chưa đưa vào thực tiễn được.
Việc thúc đẩy các cơ chế, chính sách nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Đặc điểm của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Trong Nghị quyết 29 ban hành năm 2022 của Ban kinh tế Trung ương khoá 13 đã đưa ra định hướng dài hạn trong phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nghị quyết đặt ra nhiều chương trình, nhiệm vụ như xây dựng, tăng cường năng lực sản xuất, thiết kế, chế tạo Việt Nam (Make in Vietnam).
Tuy nhiên, chúng ta cần xem các cơ chế, chính sách này đã làm được những gì, làm đến đâu. Chúng ta cũng đặt ra các mục tiêu về các cơ chế, chính sách thúc đẩy 6 ngành công nghiệp nền tảng. Một trong những ngành có nhiều thuận lợi khi chúng ta đặt quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ là công nghiệp công nghệ số trong đó có công nghiệp bán dẫn, vậy chính sách là gì, triển khai cơ chế chính sách ra sao?
Cũng trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 (ban hành tháng 9/2019) về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đặt ra ra nhiệm vụ quan trọng là ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất thông minh. Câu chuyện này cũng cần được nhìn nhận ra sao trong tăng trưởng công nghiệp.
Theo tôi, ngành dịch vụ năm nay có sự đóng góp khá vào tăng trưởng kinh tế, đạt mức tăng 6,82% – đóng góp lớn vào giá trị tăng thêm của GDP. Trong đó tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Tuy vậy, số lượng này mới chỉ bằng 70% năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Lúc này, câu hỏi đặt ra là cần cơ chế, chính sách gì để tăng giá trị thực sự của ngành dịch vụ, cũng như thúc đẩy các ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế kể cả một số lĩnh vực chúng ta đang có chính sách phục hồi nhưng còn khó khăn, như bất động sản…
Năm nay, chúng ta xuất siêu nhưng một phần do nhập khẩu giảm mạnh, trong khi đó cơ cấu nhập khẩu là các nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Nhập khẩu giảm mạnh chứng tỏ nội lực nền kinh tế, các yếu tố đang đặt ra nhiều vấn đề. Xuất khẩu năm 2023 đạt nhiều thành tựu nhưng lại tăng chủ yếu với Trung Quốc, còn các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… đều giảm trong khi chúng ta đã tham gia cơ bản các cam kết quốc tế. Như vậy, việc khai thác các FTA, các thị trường mới đến đâu, đã có chính sách gì cho vấn đề này.
Theo tôi, cần có chính sách thực sự, kích cầu đầu tư mà đặc biệt đầu tư tư nhân, cần nhìn nhận thẳng thắn chính sách cho đầu tư tư nhân và cả khu vực nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước trừ những dự án dầu khi có sự quyết liệt của Chính phủ, còn lại các doanh nghiệp nhà nước không có đầu tư mới, họ bế tắc về chính sách cho thúc đẩy đầu tư của chính mình.
Do đó, những vướng về Luật Ngân sách cần được tháo gỡ, được chia sẻ. Kể cả đầu tư công cũng cần được đánh giá, nhìn nhận. WB đã từng kiến nghị, trong đầu tư công của Việt Nam cần cân nhắc chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số bên cạnh đầu tư cho hạ tầng. Vì đầu tư cho hạ tầng công nghệ, giáo dục chưa được bao nhiêu.
Kích cầu cho tiêu dùng cũng là vấn đề cần bàn thảo. Gần Tết, chi tiêu mua sắm cũng trầm lắng hơn so với năm trước, trong khi đó tiền gửi tăng 13,5 triệu tỷ đồng… Cần có cơ chế đưa dòng tiền này vào sản xuất, đầu tư để phát triển…
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia:
Năm 2024, kích tăng trưởng nhưng không quá lo lạm phát
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia. |
Để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024, theo tôi cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài trùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém.
Quan trọng hơn, phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới mà điểm nhấn là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…
Theo tôi, cần sớm có khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn. Bây giờ, muốn phát triển khoa học công nghệ, muốn thử cái mới, muốn phát triển mô hình mới phải có cơ chế thử nghiệm để làm.
Bên cạnh đó, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phải thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để có chỉ đạo, có cơ chế, chính sách thực hiện rõ ràng.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh; ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; có kế hoạch cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, cam kết “Zero carbon” đến năm 2050…
Việt Nam định hướng chiến lược rất tốt nhưng vấn đề là những đề án, chương trình, giải pháp cụ thể từng ngành nghề, lĩnh vực rất thiếu. Đặc biệt tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến dự án xanh, liên quan đến lĩnh vực xanh cũng phải thúc đẩy hơn.
Chúng ta cần tăng tính tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh mong manh từ bên ngoài, cả doanh nghiệp và các địa phương. Ngoài ra, chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu quốc gia trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cùng với cơ chế liên thông, chia sẻ và quản lý rủi ro dữ liệu…
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:
Việt Nam cần thay đổi để phục hồi kinh tế tư nhân
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới |
Kinh tế thế giới đang đối mặt các cuộc khủng hoảng chồng lấn, đó là khủng hoảng kinh tế, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát… WB dự báo rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, như tiêu dùng sụt giảm, các chính phủ tăng tiết kiệm sau nhiều năm sử dụng đáng kể nguồn vốn và ngân sách. Ngoài ra, môi trường chính sách cũng sẽ có những thay đổi. Hiện tại, môi trường lãi suất đang cao và chưa có dấu hiệu giảm.
Theo tôi, hiện tại tăng trưởng kinh tế ở châu Âu vẫn chưa cải thiện đáng kể, còn Trung Quốc đang tăng trưởng chậm do các vấn đề nội bộ như thị trường bất động sản, dù nhà chức trách rất nỗ lực vực dậy nền kinh tế. Tất cả những điều này sẽ tác động sâu sắc tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Trong nội tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Cùng với đó là xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những yếu tố cần thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần thay đổi để phục hồi kinh tế tư nhân, cùng với đó dần phục hồi chi tiêu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, bên cạnh giao thương quốc tế, thương mại nội địa cũng phải được thúc đẩy.
Thời gian tới, giá cả hàng hóa có thể sẽ không tăng, thậm chí giá một số mặt hàng sẽ giảm và lạm phát tại Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ giảm. Đây là các yếu tố sẽ thay đổi triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới.
Chúng tôi dự báo sẽ có sự phục hồi từ từ và dần dần về mức trước đại dịch. Nhưng để đạt được điều này thì cần phải có chính sách điều hành khôn ngoan. Kinh tế tư nhân, doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam cần được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh các chính sách phục hồi kinh tế tư nhân, Việt Nam tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới.
Chúng tôi khuyến nghị các công cụ chính sách về thuế, tín dụng xanh để hỗ trợ các ngành công nghiệp, dần loại bỏ việc sử dụng than và chuyển sang các loại năng lượng sạch như gió, mặt trời.
Còn trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ cần thúc đẩy các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh và không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ.
Về phía các ngân hàng cũng phải có kế hoạch hành động để hỗ trợ chiến lược xanh của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp cũng cần được chú trọng.
Tôi tin rằng tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và xanh. Và để đi đến tương lai đó, các bạn cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Một điều quan trọng nữa là người dân, lớp trẻ và các thế hệ lao động cũng phải có các kiến thức cần thiết về xu hướng này.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB tại Việt Nam:
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam đạt 6%
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB |
Theo tôi, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam đầy hứa hẹn nhờ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng ổn định trong khu vực…
Một số động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, thu hút FDI được dự báo có triển vọng tươi sáng trong năm 2024.
Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khu vực Đông Nam Á thì Singapore luôn dẫn đầu về thu hút FDI, sau đó đến Indonesia và thứ ba là Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh. Tuy nhiên, cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh khác bởi Việt Nam cũng sẽ sớm phỉ đối mặt với già hoá dân số. Cụ thể, Việt Nam nên xác định các lĩnh vực thế mạnh muốn tập trung thu hút FDI, từ đó có chiến lược và giải pháp phù hợp.
Trong trung hạn và dài hạn, Việt Nam cần tăng cường cải thiện năng suất và hiệu quả lao động. Tại Singapore, hằng năm chính phủ đều thảo luận để tìm ra các giải pháp nhằm cải thiện năng suất lao động, qua đó tăng cường tính cạnh tranh của quốc gia. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi.
Về đầu tư công, cơ cấu chi tiêu chính phủ của Việt Nam vẫn đang ở mức hợp lý, tập trung vào cơ sở hạ tầng, nợ công khoảng 34% GDP tạo nhiều dư địa để Việt Nam mở rộng chính sách tài khoá.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, khuyến nghị Việt Nam đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và khoa học công nghệ. Hiện, Việt Nam đang là một trong những quốc gia dành ít ngân sách cho các hoạt động giáo dục, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động.
Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6% trong năm 2024.