Chứng khoán 11/1 xanh sàn
Phiên chứng khoán 11/1 bắt đầu với sự lo lắng của giới đầu tư vì ngày hôm qua, VN-Index rơi vào trạng thái xanh vỏ đỏ lòng. Nghĩa là VN-Index đóng cửa trong sắc xanh nhưng số lượng mã giảm giá cao vượt trội so với mã tăng giá. Nguyên nhân là do cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là blue-chips đồng loạt tăng rất mạnh hỗ trợ VN-Index.
Tuy nhiên, trong phiên chứng khoán 11/1, tình trạng xanh vỏ đỏ lòng không còn nữa. VN-Index vẫn giữ được sắc xanh và số lượng mã tăng giá cao hơn số lượng mã giảm giá.
Cụ thể, trong suốt đợt giao dịch sáng 11/1, sắc xanh bao phủ bảng giao dịch điện tử. Tới chiều, VN-Index bất ngờ điều chỉnh giảm trước áp lực bán ra. Tuy nhiên, “phép màu ATC” lại xuất hiện. Dù trước đợt ATC, màu đỏ chiếm ưu thế nhưng đóng cửa phiên chứng khoán 11/1, VN-Index bất ngờ lấy lại sắc xanh khi đóng cửa ở mức 1.162,22 điểm, tăng 0,68 điểm, tương đương 0,06%; VN30-Index tăng 0,88 điểm, tương đương 0,08% lên 1.163,56 điểm.
Thanh khoản của phiên chứng khoán 11/1 suy giảm nhưng vẫn đứng ở mức khá khi đạt 860 triệu cổ phiếu, tương đương 17.317 tỷ đồng. Toàn sàn có 250 mã tăng giá, 115 mã đứng giá và 221 mã giảm giá. Nhóm VN30 ghi nhận 287 triệu cổ phiếu, tương đương 7.374 tỷ đồng được trao đổi thành công. Có 20 mã tăng giá, 0 mã đứng giá và 7 mã giảm giá.
Cổ phiếu ngân hàng sảy chân
Như đã nêu trên, trong nhóm VN30 chỉ có 7 mã giảm giá. Thế nhưng, 7 mã đó lại là những cổ phiếu lớn, có tác động rất mạnh đến chỉ số chung của thị trường. Hay nói cụ thể hơn, đó là nhóm ngân hàng.
Nếu hôm qua, blue-chips thuộc nhóm ngành ngân hàng là “cứu tinh” giúp VN-Index thoát khỏi một phiên giảm điểm thì trong phiên chứng khoán 11/1, nhóm này lại kéo lùi chỉ số, suýt nữa khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ.
Cụ thể, các ông lớn ngành ngân hàng đóng cửa phiên chứng khoán 11/1 trong sắc đỏ có thể kể đến như BID (giảm 900 đồng/CP, tương đương 1,9% xuống 46.500 đồng/CP), MBB (giảm 250 đồng/CP, tương đương 1,2% xuống 20.650 đồng/CP), VCB (giảm 200 đồng/CP, tương đương 0,22% xuống 89.300 đồng/CP), TCB (giảm 250 đồng/CP, tương đương 0,73% xuống 34.150 đồng/CP).
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng may mắn dừng trong sắc xanh có thể kể đến như SHB, HDB, STB,… nhưng tính chung lại, trong phiên chưng khoán 11/2, nhóm ngành ngân hàng vẫn suy giảm với đà giảm 0,22%.
Cổ phiếu bầu Đức “tàu lượn”
Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024, ngân hàng là nhóm ngành nổi bật nhất. Còn xét về cổ phiếu đơn lẻ, HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, những mã liên quan đến bầu Đức gây chú ý nhất vì biến động như “tàu lượn”, khi tăng rất mạnh, khi giảm rất sâu.
Trong phiên chứng khoán 11/1, sau 3 phiên giảm sâu liên tiếp, cổ phiếu HAG tiếp tục “cài số lùi”. Có thời điểm, HAG rơi xuống “đáy” 13.200 đồng/CP. Tuy nhiên, sau đó, lực cầu xuất hiện giúp HAG có thời điểm đạt giá tím. Đóng cửa phiên chứng khoán 11/1, HAG tăng 850 đồng/CP, tương đương 6,42%, dừng ở mức 14.100 đồng/CP, chỉ thấp hơn giá trần 50 đồng/CP. Thanh khoản HAG tăng mạnh, đạt gần 36 triệu đơn vị, cao gấp gần 6 lần so với phiên trước đó.
Tương tự, cổ phiếu HNG cũng hồi phục cuối phiên dù đầu phiên giao dịch ở giá tham chiếu. Chốt phiên chứng khoán 11/1, HNG tăng 180 đồng/CP, tương đương 3,7% lên 5.040 đồng/CP.