(Chinhphu.vn) – Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội thể hiện cam kết của mình với các giải pháp cụ thể và tìm kiếm nguồn đầu tư, nguồn lực từ các công ty, tập đoàn kinh doanh, quỹ đầu tư quốc tế, trong đó có Thụy Sĩ.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam bảy tỏ, thật ý nghĩa khi Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham gia tích cực vào Hội nghị WEF Davos năm 2024.
Đại sứ bày tỏ ấn tượng với bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thường niên lần thứ 14 các nhà lãnh đạo mới của WEF diễn ra từ ngày 27-29/6/2023 tại Thiên Tân, Trung Quốc. Theo đó, Thủ tướng đã đề cập, trước các “cơn gió ngược”, cộng đồng quốc tế cần“có sự đoàn kết toàn cầu và chủ nghĩa đa phương cũng như cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm”.
“Lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin phát biểu tại Hội nghị WEF Davos 2024 lần này vì Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu và xứng đáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận cho những nỗ lực đó”, ông Thomas Gass chia sẻ.
Theo Đại sứ, là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ổn định và hợp tác khu vực. Việt Nam cũng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới, trong đó có Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Việt Nam cũng đã thực hiện một số bước tiến quan trọng để giảm lượng khí thải carbon, với cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam đang nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, thông qua triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện biện pháp bảo vệ cộng đồng dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện an ninh năng lượng bằng cách đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Do vậy, diễn đàn năm nay sẽ mang đến cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để thể hiện cam kết của mình với các giải pháp cụ thể và giành được sự ủng hộ của cộng đồng các nhà đầu tư cho những nỗ lực của mình, ông Thomas Gass nhấn mạnh.
Chia sẻ về ý nghĩa của Hội nghị WEF Davos 2024, Đại sứ cho biết, hội nghị lần này là một diễn đàn quan trọng. Với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”, WEF 2024 thể hiện cam kết trong việc chỉ ra và khắc phục những khó khăn liên quan đến niềm tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như kinh tế, chính trị và xã hội.
Cộng đồng quốc tế và nền kinh tế thế giới đã phải đối mặt với nhiều biến động trong những năm gần đây: Bạo lực ở khu vực Trung Đông, xung đột ở Ukraine, một số quốc gia thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế và Luật Nhân đạo quốc tế.
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng đang phải đối mặt với những thay đổi cơ cấu sâu sắc đang diễn ra về địa kinh tế (như khủng hoảng chi phí sinh hoạt, mất an ninh lương thực và năng lượng, bất ổn…), về biến đổi khí hậu…
Diễn đàn WEF là nơi lãnh đạo các quốc gia và chính phủ, lãnh đạo khu vực tư nhân, đại diện cho lĩnh vực giáo dục và xã hội dân sự cùng dành thời gian để suy ngẫm và tìm kiếm giải pháp, chịu trách nhiệm về việc thực hiện tầm nhìn chung, như Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Thỏa thuận khí hậu Paris, đồng thời khuyến khích những nhà tiên phong và những người đi đầu thực hiện các sáng kiến tích cực.
“Chúng ta rất cần tái cam kết với chủ nghĩa đa phương và pháp quyền quốc tế. Theo đó, cần thiết lập và nâng cấp các nền tảng mới để đối thoại và xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn”, Đại sứ Thụy Sĩ nhất mạnh.
Để giải quyết những vấn đề phức tạp, các quốc gia không thể chỉ trông chờ vào các chính phủ, bởi vì bất kỳ giải pháp hiệu quả nào cũng cần những khoản đầu tư lớn, và các giải pháp chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi có sự tham gia tích cực của lĩnh vực tư nhân. Do đó, các giải pháp bền vững cần tính đến tính khả thi và lợi nhuận của doanh nghiệp, cũng như hoạt động của nền kinh tế toàn cầu, ông Thomas Gass khuyến nghị.
Vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở trong và ngoài khu vực
Đánh giá về nỗ lực của Việt Nam trong các sáng kiến và hoạt động của WEF, Đại sứ cho biết, khu vực Đông Á hiện là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình các giải pháp cho một loạt thách thức toàn cầu.
Vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng, không chỉ trong khu vực mà còn vượt ra ngoài khu vực. Trong bối cảnh này, với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và ít phát thải carbon trong vòng 20 năm, một điều quan trọng hơn nữa đối với Việt Nam là tâm thế sẵn sàng duy trì đối thoại và chia sẻ với cộng đồng quốc tế về cách tiếp cận, quan điểm và kinh nghiệm trong hội nhập toàn cầu và phát triển kinh tế-xã hội.
Tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS. Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của WEF đã cũng chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Việt Nam và WEF giai đoạn 2023-2026.
Theo ông Thomas Gass, với việc ký kết biên bản ghi nhớ nói trên, Việt Nam có triển vọng tiếp cận các nguồn lực và chuyên môn quốc tế, cũng như tham gia vào các chương trình toàn cầu của WEF.
Thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam cần có một ý chí mạnh mẽ và một quyết tâm cao để duy trì thực hiện cam kết phát triển bền vững, tiếp tục thúc đẩy thủ tục hành chính theo hướng nhanh hơn và minh bạch hơn, cải thiện giáo dục thực chất và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nền kinh tế số cũng như các biện pháp khác, Đại sứ khuyến nghị.
“Tôi thấy rõ các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực giải quyết những thách thức này, bằng chứng là dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng tăng. Cần lưu ý là cạnh tranh trong thu hút FDI ở phạm vi toàn cầu rất khốc liệt, do đó, Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện các điều kiện để duy trì lợi thế so với các đối thủ”, ông Thomas Gass chia sẻ.
Chính phủ Việt Nam đang giải quyết vấn đề thông qua việc lồng ghép các mục tiêu phát triển của khu công nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp với WEF để thành lập trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Thành phố, nhằm giải quyết các vấn đề chính, như kinh tế tuần hoàn và số hóa.
Mối quan hệ truyền thống sâu sắc và nồng ấm Việt Nam-Thụy Sĩ
Đề cập tới những thành tựu trong quan hệ song phương Việt Nam-Thụy Sĩ thời gian qua, Đại sứ cho biết, hai nước có một mối quan hệ truyền thống, nồng ấm và ngày càng sâu sắc.
Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào năm 1971. Quan hệ hai nước đã có những bước phát triển rất năng động, với trọng tâm dần chuyển từ hợp tác phát triển kinh tế sang giao thương, đặc biệt là giữa khu vực kinh tế tư nhân hiện đang phát triển mạnh mẽ.
Thụy Sĩ hoan nghênh những tiến triển tích cực trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA, bao gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Việt Nam.
Khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ tạo ra một khuôn khổ thuận lợi, mở đường cho tăng cường đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam cũng như thúc đẩy thương mại song phương.
“Chính sách đối ngoại và môi trường kinh tế của Việt Nam rất năng động. Rất nhiều quốc gia đang mong chờ nâng cấp quan hệ đối tác với Việt Nam và tôi đặc biệt mong muốn mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ được nâng cấp trong thời gian tới. Tôi hiện đang dành toàn bộ tâm huyết và nỗ lực của mình cho vấn đề này”, ông Thomas Gass bày tỏ.
Theo Đại sứ, các mặt hàng xuất khẩu chính của Thụy Sĩ sang Việt Nam gồm dược phẩm, hóa chất, máy móc và cơ khí chính xác, trong khi mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Sĩ là các sản phẩm điện tử, như điện thoại di động, giày dép, dệt may và thủy hải sản.
Từ năm 2008, hợp tác phát triển kinh tế giữa Thụy Sĩ và Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như cải thiện tài chính công, nâng cao năng lực cho khu vực tài chính, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy hoạch đô thị và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các dự án thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Trong lĩnh vực hợp tác học thuật, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sĩ có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ thông qua việc hỗ trợ các dự án nghiên cứu chung giữa Thụy Sĩ và Việt Nam.
Hai bên vừa chính thức thông báo đợt tiếp nhận hồ sơ đăng ký đề tài lần thứ 2 thuộc chương trình tài trợ song phương dành cho các nhà nghiên cứu 2 nước ở tất cả các lĩnh vực khoa học khác nhau, với tổng mức tài trợ của Thụy Sỹ là 4 triệu CHF (hơn 115 tỷ đồng) và của Việt Nam là 25 tỷ đồng.
Nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Thụy Sĩ đã sang thăm Việt Nam trong những năm qua. Gần đây nhất là vào tháng 6/2023, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Thụy Sĩ Martin Candinas thăm chính thức Việt Nam, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận lời mời thăm Thụy Sĩ vào năm 2024.
Do vậy, WEF là cơ hội cho các cuộc gặp cấp cao giữa chính quyền hai nước và sự quan tâm của cả hai bên được thể hiện qua các cuộc gặp thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước bên lề diễn đàn trong những năm qua, Đại sứ chia sẻ.
Thùy Dung – Chinhphu.vn