Tín hiệu khả quan với tăng trưởng toàn cầu, tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu, Ukraine nhập khẩu khí đốt cao kỷ lục, Trung Quốc tố Mỹ không tuân thủ nhiều quy định của WTO… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Dự án năng lượng hạt nhân Leningrad II của Nga. (Nguồn Rosatom) |
Kinh tế thế giới
Kinh tế toàn cầu hiện đang tốt hơn
Ngày 9/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất. Theo đó, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2024. Theo WB, năm 2024 có thể sẽ khép lại chuỗi 5 năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây – một con số đáng buồn.
Báo cáo của WB cho rằng, kinh tế toàn cầu hiện đang tốt hơn so với một năm trước, với nguy cơ suy thoái hạ nhiệt – phần lớn nhờ sức mạnh của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể tạo ra những mối đe dọa mới trong ngắn hạn.
Trong khi đó, triển vọng trung hạn trở nên u ám đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển. Tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế lớn chậm lại, thương mại toàn cầu đình trệ và các điều kiện tài chính bị thắt chặt nhất trong nhiều thập niên.
Tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2024 dự kiến chỉ bằng 50% mức trung bình của thập kỷ trước đại dịch. Chi phí đi vay đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nền kinh tế có xếp hạng tín nhiệm kém, có thể tiếp tục ở mức cao do lãi suất toàn cầu vẫn neo ở các ngưỡng đỉnh của 4 thập kỷ (sau khi đã điều chỉnh lạm phát).
Tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp – từ mức 2,6% của năm 2023 xuống 2,4% vào năm 2024, thấp hơn gần 0,75 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trung bình của những năm 2010. Các nền kinh tế đang phát triển được ước đoán chỉ tăng trưởng 3,9%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của thập niên trước.
Kinh tế Mỹ
*Lần đầu tiên sau hai thập niên, Mỹ vượt Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc. Xuất khẩu tháng 12/20223 của Hàn Quốc sang Mỹ đã vượt lượng xuất khẩu sang Trung Quốc, dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang thay đổi trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu về an ninh kinh tế và chuỗi cung ứng công nghệ.
Theo thông tin của Bộ Thương mại Mỹ, Hàn Quốc đã bán 11,3 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ trong tháng 12/2023 so với 10,9 tỷ USD cho Trung Quốc. Sự thay đổi vị trí là do tổng xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 5,1% so với một năm trước đó, mức tăng hàng tháng thứ ba sau một năm sụt giảm kéo dài. Sự thay đổi vị trí phần nào phản ánh những thách thức kinh tế của Trung Quốc khiến các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra hàng loạt biện pháp kích thích vào năm ngoái.
*Theo kết quả khảo sát được Liên đoàn Doanh nghiệp độc lập quốc gia (NFIB) công bố ngày 9/1, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ trong tháng 12/2023 đã tăng từ mức 90,6 của tháng 11/2023 lên mức 91,9 trong tháng 12/2023. Đây là mức tăng lần đầu tiên kể từ tháng 7/2023, song vẫn thấp hơn mức trung bình 50 năm là 98 tháng thứ 24 liên tiếp.
Ngoài ra, chi phí tuyển dụng và những lo ngại về lạm phát tiếp tục làm giảm sự lạc quan của các chủ doanh nghiệp.
Kinh tế Trung Quốc
* Theo insidetrade.com ngày 9/1, Trung Quốc cho rằng Mỹ không tuân thủ nhiều quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Chính phủ Trung Quốc ngày 8/1 nói, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty viễn thông Trung Quốc vi phạm một số nguyên tắc của WTO.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tại cuộc họp báo cùng ngày cho biết, Mỹ đang tăng cường kiểm soát xuất khẩu chip sang Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, những biện pháp kiểm soát của Mỹ vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc của WTO như được nêu trong Điều I của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại.
*Theo kết quả thăm dò của Reuters, xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng nhanh hơn (so với tháng trước đó) trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 12/2023, một dấu hiệu cho thấy thương mại toàn cầu bắt đầu phục hồi nhờ sự nở rộ của ngành công nghiệp điện tử và kỳ vọng về chi phí vay thấp hơn vào năm 2024.
Theo dự báo trung bình của 32 nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters, các chuyến hàng xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ tăng 1,7% trong tháng 12 so với một năm trước đó, sau khi kết thúc quá trình sụt giảm kéo dài 7 tháng và chứng kiến mức tăng trưởng 0,5% trong tháng 11.
Kinh tế châu Âu
*Bộ trưởng Năng lượng Belarus Viktor Karankevich, ngày 10/1 cho hay, nước này và Nga đã chuẩn bị một thoả thuận về việc hình thành thị trường điện thống nhất, các bên đang xây dựng các quy tắc hoạt động của thị trường này.
Ông Karankevich lưu ý rằng, thị trường điện thống nhất tạo thêm cơ hội để tăng cường mối quan hệ giữa hệ thống năng lượng của hai nước và phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện.
* Ngày 6/1, phát biểu trên kênh truyền hình Russia-24 về kết quả hoạt động của ngành hạt nhân Nga trong năm 2023 và kế hoạch cho năm tiếp theo, Tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng hạt nhân LB Nga Rosatom, ông Alexey Likhachev, cho hay, bất chấp các áp lực từ bên ngoài, Rosatom vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu toàn cầu, lập kỷ lục mới vào năm 2023.
Theo ông, năm 2023 là một năm toàn diện và nhìn chung là tích cực. Người đứng đầu Rosatom nói: “Chúng tôi tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu toàn cầu, một lần nữa chúng tôi đạt được các kỷ lục: về tổng doanh thu, doanh thu từ nước ngoài, về các sản phẩm mới”.
*Nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt Ukraine LLC mới đây công bố số liệu cho thấy, trong năm 2023, Ukraine đã nhập khẩu 4,3 tỷ m3 khí tự nhiên từ Liên minh châu Âu (EU) và Moldova.
Theo LLC, con số trên nhiều hơn gấp đôi so với lượng nhập khẩu của Ukraine trong năm 2022 và phần lớn số khí đốt nói trên được lưu trữ trong các kho ngầm của nước này.
Hầu hết nhập khẩu khí đốt của Ukraine đến từ Slovakia với hơn 1,8 tỷ m3, tương đương 42% tổng lượng nhập khẩu. Trong khi đó, Hungary cung cấp 1,3 tỷ m3 (chiếm 31%), Ba Lan cung cấp 602 triệu m3 (14%) và Romania qua Moldova là 550 triệu m3 (13%).
Theo báo cáo của LLC, trong năm 2023, Ukraine cũng đã nhập khẩu hơn 550 triệu m3 khí đốt thông qua hành lang Xuyên Balkan, chủ yếu để lưu trữ.
* Ngân sách dành cho xây dựng của Đức sẽ giảm trong năm 2024. Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, chi tiêu dành cho lĩnh vực xây dựng bị sụt giảm, cũng là một dấu hiệu không khả quan mới cho ngành bất động sản vốn đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Nhiều công ty đã tuyên bố vỡ nợ. Mục tiêu xây dựng 400.000 ngôi nhà mới/năm của Thủ tướng Olaf Scholz xem như khó thành hiện thực.
Theo nghiên cứu công bố ngày 10/1 của Viện kinh tế DIW, chi tiêu dành cho xây dựng sẽ giảm 3,5% trong năm 2024 xuống còn 546 tỷ Euro (597,38 tỷ USD) trước khi phục hồi nhẹ với mức tăng dự báo 0,5% vào năm 2025.
* Phát biểu họp báo sau cuộc gặp với Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher ngày 9/1, Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Czech Jozef Sikela cho biết, hai nước sẽ hợp tác để tài trợ cho các dự án chung về năng lượng hạt nhân, đồng thời thúc đẩy các điều kiện phù hợp cho việc phát triển năng lượng hạt nhân ở EU.
Tại cuộc gặp, hai bên đã tập trung thảo luận về quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu và vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc khử carbon trong ngành năng lượng cũng như vấn đề an ninh năng lượng.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Tiền lương thực tế của người dân Nhật Bản trong tháng 11/2023 đã giảm 3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 20 tháng liên tiếp do tốc độ tăng lương không theo kịp tốc độ tăng giá, số liệu của chính phủ vừa công bố cho thấy.
Dự kiến lương sẽ tăng sau các cuộc đàm phán tiền lương giữa các công đoàn doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở Nhật Bản hằng năm “shunto” sắp diễn ra trên toàn quốc, trong khi Thủ tướng Kishida Fumio đang thúc giục các công ty nâng lương lên mức vượt xa lạm phát.
Tuy nhiên, một quan chức của Bộ Lao động cho biết liệu những đợt tăng như vậy có thể theo kịp tốc độ tăng giá hay không rất khó dự đoán vào thời điểm này.
* Thông báo của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản ngày 9/1 cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản của nước này trong tháng 11/2023 giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với 30,6 tỷ Yen (khoảng 210 triệu USD).
Không chỉ mặt hàng thủy sản là thực phẩm giảm, xuất khẩu cá chép cảnh (cá koi) cũng giảm mạnh, nhất là thị trường Trung Quốc. Xét theo quốc gia/vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm tới 6,5 tỷ Yen (86,8%).
* Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3,5% trong phiên họp ngày 11/1 do lo ngại về quá trình phục hồi kinh tế của Hàn Quốc vẫn còn yếu và các yếu tố rủi ro vẫn tiềm tàng.
Đây là lần thứ tám liên tiếp BoK giữ vững lập trường sau các đợt đóng băng lãi suất vào tháng 2, tháng 4, tháng 5, tháng 7, tháng 8, tháng 10 và tháng 11 năm 2023. Việc đóng băng lãi suất diễn ra sau khi BoK thực hiện 7 lần tăng lãi suất liên tiếp từ tháng 4/2022 đến tháng 1/2023.
Quyết định giữ nguyên lãi suất được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc có dấu hiệu phục hồi về xuất khẩu nhưng chi tiêu tiêu dùng vẫn chậm chạp trong bối cảnh áp lực lạm phát giảm bớt.
* Các nguồn tin tài chính ngày 9/1 cho hay, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có thể thực hiện thanh toán bằng đồng Won Hàn Quốc cho các đối tác thương mại của họ thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sớm nhất là từ nửa cuối năm 2024.
Phương thức thanh toán mới nhằm cắt giảm phí giao dịch lớn được tính khi chuyển đổi đồng Won sang loại tiền khác, thường là USD hoặc ngược lại, đồng thời hạn chế rủi ro liên quan đến tỷ giá hối đoái biến động. Kế hoạch này đã được đề cập trong định hướng chính sách kinh tế năm 2024 được Bộ Kinh tế và Tài chính (MOEF) và các bộ liên quan khác của Hàn Quốc công bố vào tuần trước.
MOEF đang nỗ lực cải tiến các quy định về trao đổi tiền tệ trong nửa đầu năm 2024 để thực hiện kế hoạch.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Thủ tướng Malaysia cho rằng, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số là rất cấp bách và quan trọng đối với đất nước và cần có sự tham gia của tất cả người dân.
Phát biểu tại cuôc họp của Bộ Tài chính ngày 9/1, Thủ tướng Anwar yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp để các công ty đầu tư liên kết với chính phủ (GLIC) và các công ty liên kết với chính phủ (GLC) thực hiện các khoản đầu tư chiến lược phù hợp với Quy hoạch tổng thể công nghiệp mới và Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia. Ông cũng kêu gọi GLIC và GLC giảm đầu tư ra nước ngoài và tăng cường đầu tư trong nước.
* Ngày 9/1, trong cuộc họp nội các toàn thể tại Cung điện Nhà nước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các bộ, các cơ quan cảnh giác trước tác động của biến đổi khí hậu có thể gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong mùa vụ đầu năm.
Ông nhấn mạnh, biến đổi khí hậu có thể làm gián đoạn thời vụ trồng trọt và thu hoạch theo kế hoạch. Vì vậy, các vấn đề liên quan đến điều kiện an toàn và dự trữ lương thực chiến lược phải được tính toán kỹ hơn.
* Bộ Thương mại Thái Lan đang đặt mục tiêu ký kết 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong năm nay, bao gồm 2 hiệp định mới với Sri Lanka và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), cùng một thỏa thuận nâng cấp FTA hiện có giữa ASEAN – Australia – New Zealand.
Thông báo về kế hoạch trên, Cục trưởng Chotima Iemsawasdikul cho biết, Cục Đàm phán thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã đẩy nhanh đàm phán để phù hợp với chính sách của chính phủ do Thủ tướng Srettha Thavisin đứng đầu với mong muốn tạo ra nhiều cơ hội hơn và tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp nước này.