Ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên thiếu bền vững lẫn sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm nhập khẩu… Những thách thức này thúc đẩy ngành nông nghiệp thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng
Năm 2023, dù tình hình thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, song ngành nông nghiệp của TP. Đà Nẵng vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 1,19%; tổng sản lượng các loại thủy sản khai thác và nuôi trồng là 38.166 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng lương thực có hạt đạt 29.270 tấn, trong đó sản lượng lúa đạt 28.506 tấn; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước cả năm đạt 101.00 m3, trồng rừng tập trung cả năm ước đạt 2.768 ha, tỷ lệ che phủ rừng ước đến cuối năm là 46%. Tỷ lệ dân nông thôn mới sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt khoảng 90%; 11/11 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, trong đó, 5/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Năm 2023, dù tình hình thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, song ngành nông nghiệp của TP. Đà Nẵng vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. |
Tại Hòa Vang – huyện nông nghiệp duy nhất ở Đà Nẵng, những năm gần đây chính quyền địa phương đã tăng cường hỗ trợ người nông dân tạo nên giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Hòa Vang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, tạo sản phẩm sạch nhằm nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, tập trung chuyển đổi sản xuất lúa gạo, rau theo hướng hữu cơ, tạo sản phẩm an toàn, xây dựng liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thị sản phẩm; chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp thuần túy sang mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác du lịch; xây dựng chứng nhận OCOP cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, nhằm quảng bá, liên kết, xây dựng câu chuyện sản phẩm, chứng nhận các điều kiện an toàn thực phẩm, nhận diện thương hiệu…
Trong khi đó, sản xuất lâm nghiệp của Đà Nẵng cũng tiếp tục tăng trưởng, trong đó sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng trưởng cao, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển trồng rừng trên địa bàn được kiểm soát, không xảy ra các vụ phát lửa gây cháy rừng.
Các địa phương ở Đà Nẵng tập trung chuyển đổi sản xuất lúa gạo, rau theo hướng hữu cơ, tạo sản phẩm an toàn, xây dựng liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thị sản phẩm. |
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, mặc dù bối cảnh chung của thành phố còn nhiều khó khăn, thách thức. Song, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp cơ bản ổn định (tăng 1,19% so với năm 2022), trong đó lĩnh vực thủy sản tăng 2,7% là điểm sáng trong việc tăng trưởng kinh tế của ngành. Trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị ngành nông nghiệp phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng các mô hình trên các lĩnh vực sản xuất để thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, liên kết, hợp tác để tích hợp đa giá trị vào sản phẩm nông nghiệp.
Chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp
Trên thực tế hiện nay, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng cả về lượng và chất. Trong khi đó, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên thiếu bền vững lẫn sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm nhập khẩu… Những thách thức này thúc đẩy ngành nông nghiệp thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, đổi mới khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt. Theo bà Hậu, nền kinh tế nông nghiệp ở Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân địa phương; muốn tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, tạo giá trị kinh tế cho người dân nông thôn, Đà Nẵng bắt buộc phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cũng như chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị.
Lĩnh vực thủy sản tăng trưởng 2,7% là một trong những điểm sáng của kinh tế Đà Nẵng trong năm qua. |
Trong đó, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Bởi lẽ, ứng dụng khoa học công nghệ (như công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật…) giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu.
Đồng quan điểm, theo đại diện UBND huyện Hòa Vang, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, mặc dù có năng suất, chất lượng cao nhưng người nông dân vẫn không mặn mà bởi thu nhập thấp, bấp bênh so với các ngành, nghề khác. Bởi vậy, chủ trương chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay.
Cần đầu tư nghiên cứu và phát triển trong công nghệ bảo quản và chế biến nông – lâm – ngư nghiệp |
Theo nhiều người để thực hiện được chủ trương này cần có thời gian và lộ trình nhất định. Trong đó, Nhà nước cần tạo cơ chế chính sách phù hợp với từng vùng, từng khu vực, tạo đòn bẫy để kích thích nông nghiệp phát triển trong thời gian đến. Để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, Chính phủ cần xem xét việc tạo ra các chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình kinh tế nông nghiệp. Đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ bảo quản và chế biến nguyên liệu từ nông – lâm – ngư nghiệp, cung ứng cho nông dân công nghệ và tri thức tiên tiến. Bên cạnh, chính quyền địa phương cũng cần tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ tạo ra các mối hợp tác chặt chẽ, đa dạng giữa nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đồng thời tạo môi trường kinh doanh thân thiện để thu hút đầu tư và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững.