Thủ tướng Anh Rishi Sunak làm nóng chính trường đầu năm nay với thông báo rằng “nửa cuối năm 2024” sẽ là thời điểm tổ chức cuộc tổng tuyển cử.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak dự kiến không tổ chức bầu cử trong nửa đầu năm 2024. (Ảnh: Anadolu/Getty Images) |
Rishi Sunak là chính trị gia người Anh gốc Ấn Độ, trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh từ năm 2022 và hiện đương nhiệm Thủ tướng nước này.
Theo luật pháp hiện hành, Thủ tướng có quyền quyết định thời điểm tổ chức tổng tuyển cử. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tới gần, người Anh quan tâm về hai chủ đề chính: thời điểm tổ chức tuyển cử và ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng.
“Cần thêm thời gian”
Hiện Thủ tướng chưa công bố chính xác ngày tổ chức bầu cử. Theo Đạo luật Giải tán và Triệu tập Quốc hội 2022, nhiệm kỳ tối đa của Quốc hội là 5 năm. Nếu Thủ tướng Anh Rishi Sunak không tổ chức bầu cử trước ngày 17/12/2024, Quốc hội sẽ tự động giải tán theo đúng nhiệm kỳ 5 năm kể từ đợt tổng tuyển cử năm 2019.
Sau thời điểm giải tán, Quốc hội sẽ có khoảng 25 ngày để chuẩn bị cho cuộc bầu cử (không tính ngày cuối tuần và ngày lễ hội ngân hàng). Vì vậy, hạn chót của cuộc bầu cử sẽ dời sang đầu năm 2025, cụ thể là trước ngày 28/1/2025.
Trong chuyến thăm vùng Nottinghamshire hôm 3/1, ông Sunak cho biết nước này dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào sáu tháng cuối năm nay. Có nhiều ý kiến xoay quanh lý do ông Sunak lựa chọn khoảng thời gian bầu cử vào nửa cuối năm nay.
Thứ nhất, theo các chuyên gia chính trị, Đảng Bảo thủ sẽ có lợi hơn nếu tổ chức bầu cử vào nửa cuối năm 2024. Khi nhậm chức Thủ tướng Anh vào tháng 10/2022, ông Sunak tuyên bố 5 cam kết quan trọng – giảm lạm phát và nợ công, tăng trưởng kinh tế, cắt giảm danh sách chờ của hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) và ngăn dòng người di cư bất hợp pháp bằng tàu nhỏ qua biển.
Các chuyên gia tin rằng, Thủ tướng Anh cần ít nhất nửa đầu năm 2024 để phát huy hiệu quả các cam kết trên. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể cảm nhận được lợi ích của chính sách cắt giảm thuế Bảo hiểm quốc gia nếu tổ chức bầu cử muộn hơn.
Thứ hai, nước Anh tổ chức nhiều hội nghị vào cuối năm 2024, đặc biệt từ khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Sự kiện của Đảng Bảo thủ và Công đảng thu hút khoảng 12.000 người tham dự mỗi năm. Do vậy, đây là cơ hội lớn cho các đảng chính trị tăng doanh thu, kết nối cử tri và thu hút sự chú ý của truyền thông đối với các chính sách của mình.
Chính trị gia thuộc Đảng Bảo Thủ Robert Hayward lập luận, tháng 10 là thời điểm phù hợp để tổ chức bầu cử vì Chính phủ cần thời gian giải quyết khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đây là vấn đề hàng đầu với cử tri. Tất cả điều này có thể giúp củng cố niềm tin người dân vào chính sách của Đảng Bảo thủ và tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong cuộc bầu cử.
Thách thức chờ Thủ tướng Anh
Theo ABC News, chính trị gia Keir Starmer là người có khả năng trở thành Tân Thủ tướng Anh. Ông là cựu Giám đốc cơ quan công tố và hiện đảm nhiệm lãnh đạo Công đảng. Hiện Công đảng có lợi thế dẫn trước so với đảng Bảo thủ của ông Sunak. Song ông Starmer luôn nhắc nhở Đảng của mình không nên tự mãn và cần tận dụng lợi thế sẵn có để vận động cử tri.
Phát biểu tại thành phố Bristol ngày 4/1, ông cho rằng người dân Anh hiện đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, ông Starmer đặt câu hỏi về lý do tại sao Thủ tướng không ấn định cụ thể ngày bầu cử mà lại “lưỡng lự” và “trì hoãn” việc công bố ngày chính thức trong nhiều tháng liền.
Theo Politics.co.uk, ông Starmer muốn khai thác việc Thủ tướng Sunak lưỡng lự về thời điểm tổ chức bầu cử làm vấn đề thảo luận cốt lõi trong chiến dịch tranh cử mình.
Ông Starmer cũng cho biết, người dân Anh đồng tình rằng nước này hiện gặp nhiều khó khăn lớn và họ khao khát một sự thay đổi tích cực. Thật vậy, dù nước Anh năm 2023 được đánh giá là một năm “ổn định hơn” so với năm 2022, song quốc gia này vẫn phải “vật lộn” để giải quyết hậu quả của Covid-19 và sự kiện rời Liên minh Châu âu (Brexit), cũng như xung đột tại Đông Âu và Trung Đông.
Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer phát biểu tại Trung tâm Vật liệu tổng hợp quốc gia thuộc Công viên Khoa học Bristol&Bath ở Bristol, Vương quốc Anh ngày 4/1. (Ảnh: Stefan Rousseau/The Associated Press) |
Hậu quả của các sự kiện trên phản ánh rõ nhất qua tỷ lệ lạm phát cao và mức tăng trưởng kinh tế gần như bằng 0 trong năm 2023 của nước Anh. Do vậy, Công đảng cho biết, họ đang thận trọng trong việc đưa ra các cam kết tài chính. Trái ngược với Đảng Bảo thủ, ông Starmer khẳng định sẽ ưu tiên phát triển kinh tế hơn là giảm thuế ngay lập tức.
Bằng cách này, Công đảng có thể thu hút sự ủng hộ của những cử tri, vốn mong muốn nước Anh thay đổi sau 14 năm do Đảng Bảo thủ dẫn dắt. Đồng thời, các cam kết tài chính cũng giúp cử tri dễ xem xét đảng nào phù hợp với quan điểm và ưu tiên của họ, đặc biệt khi các chính sách của Đảng Bảo thủ dường như chưa mang lại hiệu quả mong đợi.
Ông Starmer và các quan chức cấp cao của Công đảng đã ủng hộ tổ chức bầu cử sớm vào tháng Năm. Đây là động thái tạo áp lực lên Thủ tướng Sunak. Song theo Thủ tướng Sunak, ông không vội vã đưa ra quyết định trước áp lực tổ chức bầu cử sớm, do bởi ông có quyền quyết định thời điểm tổ chức tổng tuyển cử, miễn là diễn ra trước thời hạn.
Như vậy, khả năng cao nước Anh sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào khoảng sáu tháng cuối năm 2024. Điều này bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính: Thủ tướng Sunak cần thêm thời gian để các chính sách của ông phát huy tác dụng; những hội nghị cuối năm là cơ hội lớn cho các Đảng thu hút cử tri.
Theo đó, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer bày tỏ mong muốn tổ chức bầu cử sớm vào tháng 5/2024 với lý do cử tri đã sẵn sàng bỏ phiếu. Trong bối cảnh nền kinh tế Anh “ảm đạm”, ông Starmer cũng “tận dụng” tình hình để giành ủng hộ của cử tri cho cuộc bầu cử trong tương lai, bằng cách đưa ra các cam kết tài chính và đề xuất chính sách mới thúc đẩy nền kinh tế.