Theo số liệu về kết quả bầu cử chính thức, cựu Thủ tướng Tshering Tobgay được bầu làm thủ tướng lần thứ hai của Vương quốc Bhutan.
Cựu Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay và đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 9/1. (Nguồn: Agenzia Nova) |
AFP dẫn thông tin từ Ủy ban bầu cử Bhutan ngày 10/1 cho thấy, đảng Dân chủ nhân dân (PDP) của ông Tobgay đã giành thắng lợi trong cuộc tổng bầu cử Quốc hội năm 2024, với 30 ghế” trong khi đảng Bhutan Tendrel (BTP) giành được 17 ghế còn lại.
Với kết quả này, ông Tobgay – lãnh đạo đảng PDP, người từng giữ chức thủ tướng Bhutan từ năm 2013-2018, sẽ một lần nữa ngồi vào ghế Thủ tướng của quốc gia Nam Á này.
Theo Ủy ban Bầu cử Bhutan, các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 8h-17h ngày 9/1 (giờ địa phương) đón gần 500.000 cử tri đến bỏ phiếu bầu chọn 47 nghị sĩ Quốc hội. Tham gia tranh cử có 94 ứng cử viên thuộc 2 chính đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ tháng 11/2023 là đảng BTP và đảng PDP.
Trong cương lĩnh tranh cử, BTP và PDP đều cam kết giải quyết các thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế, ưu tiên theo đuổi chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) đo lường sự phát triển xã hội bằng hạnh phúc và phúc lợi của người dân.
Hai đảng này cũng cam kết tăng cường đầu tư vào thủy điện – nguồn năng lượng chính của đất nước và du lịch – nguồn thu ngoại tệ chính song vẫn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Ngoài BTP và PDP, Bhutan hiện còn có 3 chính đảng khác gồm Druk Nyamrup Tshogpa (DNT), Druk Phuensum Tshogpa (DPT) và Druk Thuendrel Tshogpa (DTT). Đảng cầm quyền hiện tại là DNT.
Hiến pháp Bhutan quy định hệ thống bầu cử Quốc hội gồm hai cấp. Tất cả các đảng đã đăng ký có thể tham gia vòng sơ bộ, 2 đảng có số phiếu bầu cao nhất sẽ tranh cử vòng chung kết.
Bhutan tiến hành cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 2008 sau những cải cách chính trị mở màn triều đại của quốc vương hiện tại Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.
Vương quốc nhỏ bé với gần 800.000 dân này nổi tiếng với việc áp dụng chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH).
Bỏ qua các chỉ số định lượng kinh tế truyền thống, Bhutan đánh giá phúc lợi tổng thể của đất nước trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội bền vững và công bằng; bảo tồn thiên nhiên; bảo tồn và phát huy văn hóa; và quản trị quốc gia tốt.