Theo Cơ quan khí hậu châu Âu Copernicus, nhiệt độ trung bình năm 2023 cao hơn 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này sắp chạm giới hạn 1,5 độ C trong Hiệp định khí hậu Paris năm 2015 mà thế giới hy vọng duy trì để tránh những tác động nghiêm trọng nhất của hiện tượng nóng lên.
Hiện tại, xu hướng nóng lên vẫn đang xảy ra trong tháng 1/2024 có thể dẫn đến việc nhiệt độ trung bình 12 tháng sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C lần đầu tiên, theo Phó giám đốc Copernicus Samantha Burgess cho biết. Các nhà khoa học khí hậu cho biết nếu nhiệt độ trung bình hàng năm tăng hơn 1,5 độ C thì tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ không thể khắc phục.
Ông Burgess cho biết: “Mục tiêu 1,5 độ phải được duy trì vì tính mạng đang gặp nguy hiểm. Chúng ta phải đưa ra các lựa chọn. Những lựa chọn này không ảnh hưởng đến bạn và tôi nhưng chúng ảnh hưởng đến con cháu chúng ta”.
Trong năm qua, nắng nóng kỷ lục đã khiến cuộc sống nhiều nơi trở nên khắc nghiệt, thậm chí gây chết người ở các khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc và nhiều nơi khác.
Bên cạnh đó, khí hậu nóng lên cũng là nguyên nhân gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn như hạn hán kéo dài tàn phá vùng Sừng châu Phi, những trận mưa xối xả làm vỡ đập và giết chết hàng nghìn người ở Libya, cháy rừng ở Canada khiến không khí từ Bắc Mỹ đến châu Âu ô nhiễm nặng.
Trong một sự kiện báo chí riêng vào thứ Ba, khi ước tính tác động của nóng lên toàn cầu với tần suất xảy ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bà Friederike Otto, trưởng nhóm nhà khoa học khí hậu của Đại học Hoàng gia cho biết: “Theo phân tích của mình, chúng tôi chắc chắn những tác động mạnh mẽ cho thấy 2023 là năm nóng nhất”.
“Về cơ bản, biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ dẫn đến các đợt nắng nóng nhiều khả năng xảy ra hơn và thậm chí nóng hơn”, bà Otto nhận định.
Theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) công bố hôm thứ Ba, trong năm 2023, Mỹ đã phải trải qua 28 thảm họa thời tiết, thiệt hại ít nhất 1 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục cũ là 22 thảm họa vào năm 2020. Trong khi đó vào những năm 1980, trung bình mỗi năm chỉ có 3 thảm họa. Trong những năm 1990, trung bình mỗi năm chỉ có dưới 6 thảm họa.
Những thảm họa gây thiệt hại hàng tỷ USD của Mỹ năm ngoái bao gồm hạn hán, 4 trận lũ lụt, 19 cơn bão dữ dội, 2 cơn bão, cháy rừng và bão mùa đông. Theo NOAA, tổng cộng những thảm hoạ này đã khiến 492 người chết, gây thiệt hại gần 93 tỷ USD.
Cũng trong năm 2023, băng biển ở Nam Cực đạt mức thấp kỷ lục, phá vỡ 8 kỷ lục hàng tháng về lượng băng biển thấp.
Theo tính toán của Copernicus, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 đạt 14,98 độ C, cao hơn khoảng 1/6 độ C so với kỷ lục cũ được thiết lập vào năm 2016. Mặc dù con số này có vẻ thấp, nhưng đây vẫn là một mức chênh lệch đặc biệt lớn đối với kỷ lục mới, ông Burgess nhận định.
Ông Burgess cũng chỉ ra một số yếu tố khiến năm 2023 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, trong đó yếu tố lớn nhất là lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển giữ nhiệt ngày càng tăng. Những khí này đến từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên.
Các yếu tố khác bao gồm El Nino – hiện tượng nóng lên tạm thời ở trung tâm Thái Bình Dương làm thay đổi thời tiết trên toàn thế giới; các dao động tự nhiên khác ở Bắc Cực, các đại dương phía nam và Ấn Độ. Vụ phun trào núi lửa dưới đáy biển vào năm 2022 cũng đã đưa hơi nước vào khí quyển.
Nhà khoa học khí hậu Malte Meinshausen của Đại học Melbourne cho biết khoảng 1,3 độ C của sự nóng lên là do khí nhà kính, cộng thêm 0,1 độ C do El Nino và phần còn lại là những nguyên nhân nhỏ hơn.
Không chỉ Copernicus, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng sử dụng các kỹ thuật tương tự và ước tính năm 2023 là năm nóng nhất khi nhiệt độ trung bình tăng 1,47 độ C so với mức tiền công nghiệp. Bộ dữ liệu toàn cầu của Đại học Alabama Huntsville sử dụng các phép đo vệ tinh cũng cho thấy đây là năm nóng nhất được ghi nhận.
Mặc dù những quan sát thực tế chỉ cách đây chưa đầy hai thế kỷ, nhưng một số nhà khoa học cho biết bằng chứng cho thấy đây là thời điểm Trái đất nóng nhất trong hơn 100.000 năm.
“Về cơ bản, điều đó có nghĩa là các thành phố, đường sá, tượng đài, trang trại của chúng ta, trên thực tế, mọi hoạt động của con người chưa bao giờ phải đương đầu với khí hậu nóng như thế này”, Giám đốc Copernicus Carlo Buontempo cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba.
Lần đầu tiên, Copernicus ghi nhận một ngày mà nhiệt độ trung bình trên thế giới cao hơn ít nhất 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo ông Burgess, sự việc đã xảy ra hai lần và suýt xảy ra lần thứ ba vào dịp Giáng sinh.
Lần đầu tiên, mỗi ngày trong năm ấm hơn ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong gần nửa năm (173 ngày) thế giới ấm hơn 1,5 độ so với giữa những năm 1800.
Nhà khoa học khí hậu người Úc Meinshausen cho biết điều quan trọng là toàn cầu phải tiếp tục cố gắng kiềm chế hiện tượng nóng lên. “Chúng ta không bãi bỏ giới hạn tốc độ vì ai đó đã vượt quá giới hạn. Thay vào đó, điều nên làm là tăng gấp đôi nỗ lực để đạp phanh”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Buontempo chỉ ra rằng thời tiết trong tương lai sẽ chỉ nóng hơn. “Theo quỹ đạo hiện tại trong vài năm nữa, năm nóng kỷ lục 2023 có thể vẫn là một mát mẻ”.
Hoài Phương (theo AP)