Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả cuộc phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt của Bộ trưởng Lloyd Austin là “tự chọn”, diễn ra ngày 22.12.2023. Ông Austin lưu viện một ngày để theo dõi và rời viện ngày hôm sau.
Tuy nhiên, do xảy ra biến chứng từ cuộc phẫu thuật, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quay lại nhập viện ngày 1.1, theo Đài NBC News dẫn thông tin từ nơi điều trị là Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed.
Cụ thể, ông Austin trải qua quy trình gọi là phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, theo đó bác sĩ giải phẫu một phần hoặc hoàn toàn tuyến tiền liệt.
Trong khi từ “tự chọn” tạo cảm giác cuộc phẫu thuật có vẻ như không cần thiết, trên thực tế cụm từ này đề cập đến thời gian diễn ra cuộc giải phẫu.
Nói một cách đơn giản, bất kỳ cuộc phẫu thuật nào không cần điều trị khẩn cấp thì được xem là quy trình tự chọn. Phẫu thuật viêm ruột thừa hoặc túi mật bị vỡ thuộc nhóm cần can thiệp khẩn cấp.
Quy trình tự chọn không có nghĩa là có thể chọn phẫu thuật hoặc không làm, mà thay vào đó là có thể lên lịch trước, theo tổ chức Y học Johns Hopkins.
Với phẫu thuật tự chọn, “dù phẫu thuật hôm nay hoặc 6 tuần nữa thì kết quả vẫn giống nhau”, theo bác sĩ Michael Stifelman, Trưởng khoa Tiết niệu Trung tâm Y khoa Đại học Hackensack ở bang New Jersey. Và đó là trường hợp của phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt.
Chủ động theo dõi là gì?
Các bác sĩ Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed cho biết tình trạng ung thư của ông Austin được phát hiện sớm và “tiên lượng của ông hoàn hảo”.
Bác sĩ Charles Ryan, Tổng giám đốc Tổ chức Ung thư Tuyến tiền liệt Mỹ, cho biết các bệnh nhân phát hiện ung thư sớm sẽ có một số phương án. Thứ nhất là chủ động theo dõi, có nghĩa là liên tục chụp MRI và xét nghiệm máu. Thứ hai là phẫu thuật cắt bỏ, hoặc điều trị bằng xạ trị, liệu pháp hóc môn.
Do ung thư tuyến tiền liệt diễn tiến chậm, một số bác sĩ và bệnh nhân có thể quyết định hoãn điều trị và thay vào đó chọn chủ động theo dõi.
Chủ động theo dõi thay vì điều trị có thể được áp dụng nếu ung thư không gây ra triệu chứng, khối u nhỏ và không di căn ngoài tuyến tiền liệt, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ.
Phẫu thuật đối mặt nguy cơ gì?
Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xuất hiện biến chứng hậu phẫu, các chuyên gia cho rằng, nhìn chung, quy trình diễn ra rất an toàn.
“Đối với đa số trường hợp nam giới trải qua cuộc phẫu thuật, đây là quy trình không bị biến chứng”, bác sĩ Ryan cho biết. Tuy nhiên, như mọi cuộc điều trị ung thư khác, nguy cơ vẫn ở đó.
Bác sĩ Ryan cho hay những biến chứng có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện bao gồm chảy máu hoặc nhiễm trùng, nhưng hiếm, chiếm chưa đầy 5% số ca.