Game online là ngành có doanh thu lớn, lợi nhuận cao vì sao các doanh nghiệp phát hành game như Garena Việt Nam lại chỉ nộp thuế “tượng trưng”, liệu có bất thường?
Đầu năm 2023, tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để lấy ý kiến, Bộ Tài chính dự kiến đưa dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Tài chính đánh giá ngành này có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ.
Ngay lập tức vấn đề này đã gây ra làn sóng phản đối từ những nhà phát hành game tại Việt Nam, hầu hết đều cho rằng, hiện chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Một số nhà phát hành game còn cho rằng, mặc dù ngành game có lợi nhuận cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt từ 3% – 5% doanh thu. Đây được đánh giá là mức tỷ suất lợi nhuận trung bình, nếu không muốn nói là thấp.
Giải thích cho vấn đề này, nhiều nhà phát hành game cho rằng, hiện phát hành game tại Việt Nam tốn khá nhiều chi phí, trong đó chi phí bản quyền chiếm khoảng 23%; chi phí thuế và trung gian thanh toán chiếm 24%, chi phí marketing chiếm từ 20%-30%, chi phí kho ứng dụng chiếm từ 15%-30% tùy quy mô doanh nghiệp. Do đó, mức lợi nhuận thu về chỉ khoảng 3%-8%.
Đơn cử như đối với Garena Việt Nam, theo tìm hiểu của Báo Nhà báo & Công luận, chỉ tính riêng trong năm 2022, doanh nghiệp này kiếm được hơn 6.900 tỷ, nhưng lại chỉ đóng chưa đến 26 tỷ đồng cho thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là số tiền đóng thuế gây bất ngờ nhất với độc giả, khi con số này còn chưa bằng tiền thu 2 ngày của Garena Việt Nam.
Với số lợi nhuận “mỏng” đến mức khó tin như vậy, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc khó hiểu về doanh nghiệp phát hành game, bởi doanh thu và lợi nhuận đang chênh lệch “một trời một vực”. Bởi nếu thực chất phát hành game online chỉ có lợi nhuận thấp như vậy, không bằng một “góc” của các loại hình kinh doanh khác, chưa kể đến hàng loạt rủi ro thì đây không được coi là một miếng bánh lớn mà rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố “đâm đầu” nhảy vào, thậm chí còn được coi là một ngành công nghiệp thế hệ mới.
Điều này đã được chứng minh bằng sự lớn mạnh của công ty phát hành trò chơi điện tử như: Valve, Tencent, hay Ubisoft đã cho thấy tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp game, cũng như ngành công nghiệp thể thao điện tử. Các công ty này không chỉ có được doanh thu khổng lồ, mà còn tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận thông qua các sản phẩm, hoạt động ăn theo từ trò chơi đó.
Giá vốn cao liệu có là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các nhà phát hành game như Garena Việt nam “có như không”?
Một thực tế là ngành game online tại Việt Nam đang chủ yếu phát hành game nước ngoài. Doanh nghiệp phải mua bản quyền game, về phát hành trong nước với đủ loại chi phí, nếu trừ hết thì “thành công” được cho là sẽ đạt mức lợi nhuận từ 2%-5%. Hầu hết doanh thu của nhà phát hành game sẽ được mang ra làm chi phí cho hàng loạt hạng mục từ: bản quyền, trung gian thanh toán, marketing… do đó lợi nhuận sẽ còn cực thấp.
Một điều khá thú vị là không ít các công ty phát hành game Việt Nam có cổ đông ngoại, và đang nắm giữ bản quyền của các game nổi tiếng và đang được các doanh nghiệp này phát hành tại Việt Nam. Đơn cử như Garena Việt Nam, theo tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, Công ty cổ phần giải trí và thể thao điện tử Việt Nam (hay được gọi là Garena Việt Nam) có cơ cấu gồm: ông Mai Minh Huy sở hữu 69,5%, cổ đông nước ngoài sở hữu 30% và ông Lê Minh Trí sở hữu 0,5%. Vốn điều lệ hiện tại của Garena Việt Nam đang ở mức 9 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty hiện đang là ông Vũ Chí Công (SN 1984).
Cổ đông ngoại của Garena Việt Nam là Garena Vietnam Private Limited là công ty con của Tập đoàn Sea Limited (Singapore). Hiện Sea Limited là một trong những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp kinh doanh giải trí trực tuyến trên thế giới, với các game nổi tiếng tại Việt Nam như: Liên minh huyền thoại, Liên Quân Mobile, Free Fire hay FIFA Online…
Nhờ việc thu tiền thông qua bán các vật phẩm trong game, quảng cáo, tổ chức các sự kiện, giải đấu… Garena Việt Nam đã đem về nguồn thu khổng lồ lên đến hàng nghìn tỷ mỗi năm. Theo đó, những năm qua, doanh thu của Garena Việt Nam liên tục tăng qua từng năm, đạt kỷ lục hơn 6.900 tỷ đồng vào năm 2022, tương đương bình quân mỗi ngày thu gần 19 tỷ. Mức doanh thu này tăng 14% so với năm trước và gấp gần 4 lần thời điểm năm 2017.
Sau khi tăng vọt gấp gần 3 lần vào năm 2020 lên mức 143 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của Garena Việt Nam đã quay đầu giảm 27% trong năm 2021. Đến năm 2022, lãi ròng của nhà phát hành game này tăng trở lại lên mức 115 tỷ đồng nhưng con số này vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức kỷ lục năm 2020. Biên lợi nhuận ròng chỉ trên dưới 2% tức là 100 đồng doanh thu mới đổi lại 2 đồng lãi.
Trong quá khứ, Garena Việt Nam thậm chí còn bất ngờ báo lỗ vào năm 2014 bất chấp doanh thu tăng gấp 4 lần cùng kỳ lên 1.200 tỷ đồng. Năm đó cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu trên nghìn tỷ. Giá vốn cao lên đến hàng nghìn tỷ mỗi năm là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhà phát hành game này bị bào mòn những năm qua.
Do đó, lợi nhuận mỏng khiến Garena Việt Nam đóng thuế rất ít. Năm 2022, dù doanh thu đến hơn 6.900 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này chỉ đóng chưa đến 26 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, con số này thậm chí còn chưa bằng tiền thu trong 2 ngày. Tính chung 5 năm qua, số thuế TNDN mà nhà phát hành game này đã nộp còn chưa đến 111 tỷ đồng dù năm nào cũng thu hàng nghìn tỷ.