Xuất khẩu gạo, rau quả duy trì phong độ
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, nông dân vùng ĐBSCL sẽ bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, vụ lúa quan trọng nhất trong năm của người dân nơi đây. Thường các năm trước, vào giai đoạn thu hoạch rộ, giá lúa giảm mạnh do nguồn cung dồi dào nhưng năm nay, ngay thời điểm này tình hình đã hoàn toàn thay đổi.
Nhiều nông dân trồng lúa cho biết, thương lái liên tục “săn lùng” tìm lúa và xin cọc tiền trước. Những nông dân thu hoạch lúa đông xuân sớm cho biết giá lúa tươi giống thường tại ruộng đã ở mức 9.300 đồng/kg, cao chưa từng có; còn các giống đặc sản như ST ở các mô hình lúa tôm xoay quanh mốc 10.000 đồng/kg. Như vậy, có cơ sở để tin rằng hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL sắp được hưởng thêm một vụ lúa trúng mùa, trúng giá.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), nhận định: “Hiện tại, các doanh nghiệp (DN) VN không dám giao dịch hay ký kết hợp đồng mới vì giá đang ở mức cao, rủi ro lớn. Ngay cả thị trường nội địa cũng hút hàng tăng giá, đặc biệt là các loại gạo đặc sản như ST25 giá đã tăng 4.000 – 5.000 đồng so với khoảng 10 ngày trước, ở mức 25.000 – 26.000 đồng/kg. Nguyên nhân là loại gạo này vừa thắng giải “Gạo ngon nhất thế giới” lần thứ 2 nên nhu cầu mua làm quà biếu và sử dụng dịp tết tăng cao. Các mặt hàng dù đang chờ vụ thu hoạch lúa đông xuân ở ĐBSCL nhưng dự báo giá vẫn ở mức cao vì các nguồn cung khác bị hạn chế. Nhìn chung năm 2024, xuất khẩu sẽ tiếp tục thuận lợi do cầu vẫn thấp hơn cung”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), dự báo: “Giá gạo xuất khẩu bình quân của VN trong năm 2024 có thể duy trì mốc 600 USD/tấn, giá lúa bình quân cũng sẽ ở mức 8.000 đồng/kg. Bởi nhu cầu gạo xuất hiện ở tất cả các thị trường, ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, châu Phi… thì thị trường Trung Quốc cũng rất đáng trông đợi. Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã dùng kho dự trữ lớn của mình để kiểm soát giá cả thị trường; điều này cũng đồng nghĩa họ sẽ nhập khẩu trở lại khi có cơ hội giá tốt”.
Ngoài lúa gạo, xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng nổi bật với mức tăng trưởng năm 2023 lên tới 69% so năm 2022. Nhận định cơ hội của nhóm ngành này, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía nam, Hội Làm vườn VN, cho biết: “Năm 2023, sầu riêng là mặt hàng tăng trưởng vượt mọi kỳ vọng khi bắt đầu gần như với con số 0 và kết thúc với kim ngạch trên 2,2 tỉ USD. Dự báo năm 2024, nếu không có những đột biến bất lợi thì xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 3,5 tỉ USD. Toàn ngành rau quả có thể tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng khi mới đây VN và Trung Quốc vừa ký nghị định thư về xuất khẩu dưa hấu.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng đang đi vào giai đoạn đàm phán và khả năng ký kết nghị định thư trong năm nay như: sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, các loại cây có múi (bưởi, cam, quýt). Nhu cầu của thị trường Trung Quốc còn rất rộng lớn không chỉ với sầu riêng mà nhiều loại rau quả nhiệt đới của VN. Ngoài ra, sầu riêng của VN cũng có nhiều cơ hội tăng trưởng ở các thị trường khác”.
Dù vậy, ông Mười khuyến cáo, thời gian qua, do tăng trưởng nóng nên nảy sinh rất nhiều vấn đề về chất lượng, thu hoạch sầu riêng không đủ tuổi đẩy DN đối mặt rủi ro nên một số đã rút khỏi thị trường. Ngành nông nghiệp cần có biện pháp kiểm soát về chất lượng sầu riêng thu hoạch.
“Chúng ta đang phát triển tốt về số lượng, cần từng bước nâng cao chất lượng để tăng giá trị và tiếp tục mở rộng thị trường”, ông Mười đề xuất.
CÀ PHÊ, HỒ TIÊU HỒI SINH
Cà phê, hồ tiêu từng tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, rồi có thời gian rớt giá mạnh khiến nông dân chán nản đầu tư, nhưng bất ngờ tăng giá mạnh trở lại trong 2 năm trở lại đây. Giá cà phê đang gần chạm mốc 70.000 đồng/kg, một mức giá ít ai có thể nghĩ tới.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (VICOFA), cho biết: “Kết thúc năm 2023, xuất khẩu cà phê của VN đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021 – 2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,08 tỉ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay. Giá xuất khẩu cà phê trung bình của VN đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước. Như vậy, có thể nói ngành cà phê đang dần hồi sinh và trở lại thời kỳ hoàng kim”.
Theo ông Hải, sản lượng cà phê xuất khẩu sụt giảm còn do nguyên nhân từ nhu cầu tiêu thụ trong nước đang tăng lên. Trong giai đoạn 2015 – 2020, sản lượng tiêu thụ cà phê nội địa tăng bình quân 3,94%/năm, từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022. Tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7 kg năm 2015 lên 2,2 kg năm 2022. Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025 – 2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm, đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 – 300.000 tấn/năm.
Lãnh đạo VICOFA dự báo: “Với sản lượng sụt giảm, nhu cầu xuất khẩu tăng cao, người trồng cà phê có thể sẽ được hưởng lợi từ giá cà phê ở mức hấp dẫn. Kim ngạch xuất khẩu cũng có thể đạt mức kỷ lục mới, dự báo có thể đạt 4,5 – 5 tỉ USD trong năm nay”.
Với hồ tiêu, có lẽ đã rất lâu rồi người trồng hồ tiêu mới có lại được tâm trạng hồ hởi đón tết như vậy. Trong khoảng 1 tuần qua, giá hồ tiêu đã tăng lên trên 80.000 đồng/kg; các tỉnh trồng hồ tiêu lớn như Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai ghi nhận mức tăng từ 500 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg. Trên các diễn đàn hồ tiêu, người trồng tiêu hết sức phấn khởi khi giá bật tăng trở lại và dự đoán có thể lên trên mức 100.000 đồng/kg như thời kỳ đỉnh cao.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN (VPSA) cho biết: Trong năm 2023, VN đã xuất khẩu được 264.094 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 236.148 tấn, tiêu trắng đạt 27.946 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 906,5 triệu USD. So với năm 2022, lượng xuất khẩu tăng 13,8%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại giảm 8%. Mỹ hiện là khách hàng lớn nhất của hồ tiêu VN khi chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này tính đến hết tháng 11.2023. VN cũng giữ vị trí nguồn cung hạt tiêu lớn nhất vào thị trường Mỹ.
Khách hàng đứng thứ 2 của hồ tiêu VN là Trung Quốc, chiếm 14,1%; tiếp sau là Ấn Độ và Đức lần lượt chiếm 5,4% và 4,3% trong tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Dù sụt giảm về giá bán, tuy nhiên ngành hàng hồ tiêu đang có những tín hiệu tích cực, trong đó thị trường Trung Quốc “ăn hàng” khá nhiều, các thị trường khác như Ấn Độ, Mỹ cũng đang có sự tăng trưởng trở lại. Mục tiêu của ngành hàng hồ tiêu là sớm gia nhập trở lại “câu lạc bộ tỉ USD” ngay trong năm 2024.
Có thể thấy, các mặt hàng nông sản tỉ USD đều khá lạc quan trong năm 2024 sau khi đã có một năm 2023 bứt phá trước đó.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích cà phê cả nước khoảng 710.000 ha, trong đó đang cho thu hoạch 653.000 ha, sản lượng 1,845 triệu tấn với năng suất 2,82 tấn/ha. Mặc dù giá cà phê trong năm 2023 tăng cao nhưng cây cà phê vẫn chưa thể cạnh tranh được với các loại cây ăn quả khác như sầu riêng, bơ, chanh leo… Do giá cà phê những năm qua xuống quá thấp nên người nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê, chỉ trừ các công ty cà phê và một số hợp tác xã.