Thảm hoạ ẩm thực
Mukbang là trào lưu phát sóng cảnh tiêu thụ lượng thức ăn lớn bắt nguồn tại Hàn Quốc. Tại Việt Nam, nhiều mukbanger đã bắt kịp các xu hướng làm video ăn thực phẩm kỳ lạ hoặc số lượng lớn để thu hút người xem. Một số chọn các món ăn độc lạ, kén người ăn như đuông dừa, thịt sống… đánh vào tâm lý hiếu kỳ của khán giả. Họ lấy lý do các video này được lấy cảm hứng từ các nước có nền ẩm thực phong phú như Thái Lan, Trung Quốc…
TikTok đang xuất hiện nhiều clip mukbang bị đánh giá thiếu lành mạnh. Ảnh Ssoyoung.
Ngồi trước ống kính và mâm đồ ăn khổng lồ, một tài khoản TikToker của Việt Nam có 1,5 triệu lượt theo dõi, tên Tóc Vàng hoe bắt đầu clip mukbang của mình. Tuy nhiên, nhiều khán giả không khỏi giật mình vì độ liều lĩnh của cô gái khi từ mâm gỏi thịt bò, bạch tuộc sống đến 10 bộ óc heo, 20 quả trứng sống, vài chục con đuông dừa đều được cô gái này ăn trong không đến 10 phút.
Chưa rõ có thật sự ngon hay không nhưng khán giả nghe rõ những nhai, xì xụp, nuốt thức ăn của nữ TikToker. Thậm chí trong video, Tóc vàng hoe còn cảnh báo “Lưu ý không ăn quá nhiều vì dễ bị đầy bụng” hay khuyên khán giả không ăn quá nhiều vì có thể gây dị ứng. Tuy nhiên vì để hấp dẫn người xem, chủ kênh vẫn sẵn sàng làm các video ăn mâm đồ ăn sống “siêu to, khổng lồ” khiến người xem không khỏi dựng tóc gáy. Cũng có lần trong một video, cô gái này kể mình bị dị ứng do ăn tới 33 con đuông dừa trong thời gian ngắn.
Dù dần bị quay lưng ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc vì sự phản cảm nhưng các clip ăn uống theo kiểu “ăn thùng, uống vại”, kỳ quái vẫn xuất hiện tại Việt Nam hay các quốc gia khác. Nguyên nhân chính vì những clip này có thể hái ra bộn tiền cho những người làm nội dung. Từ vỏ sầu riêng, nội tạng sống, côn trùng sống… họ có thể làm bất kỳ thứ gì, miễn sao tăng view, tăng lượt theo dõi. Wang Can, người có hơn 560.000 follower trên nền tảng chia sẻ video Douyin (phiên bản tại Trung Quốc của TikTok) từng bị nền tảng khoá tài khoản sau khi đăng clip ăn ong bắp cày còn sống. Wang bị ong đốt dẫn đến sưng môi, biến dạng khuôn mặt. Nhưng người này vẫn cho rằng hành động dại dột này đã giúp mình có thêm 100.000 khán giả theo dõi. Chú thích đoạn clip còn cảnh báo: “Nguy hiểm, đừng bắt chước”, nhưng cũng được Wang nhấn mạnh là một thử thách “can đảm”, “không có gì phải sợ”…
Chia sẻ về lý do nhiều TikToker bất chấp để làm những clip mukbang kinh dị, MommyTang, môt Tiktoker sở hữu 496.000 triệu người đăng ký kênh, cho hay nếu nổi tiếng bằng các clip mukbang, một mukbanger có thể thu về 100.000 USD/năm hoặc hơn nhờ các hợp đồng quảng cáo, lợi nhuận được nền tảng trả cho người làm nội dung…
Hệ luỵ khó lường
Thực tế, việc làm các clip mukbang không hề xấu. Thậm chí, đây còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá văn hoá ẩm thực quốc gia. Tuy nhiên, sự biến tướng của các clip này đang khiến khán giả hiểu nhầm về văn hoá ẩm thực. Chưa kể, cách ăn uống như vậy còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Trao đổi với Express, TS. Rodríguez Ruiz, chuyên gia điều trị béo phì nói rằng các clip mukbang phản khoa học và các chương trình ăn uống trực tuyến đang “gây ra nhiều rủi ro sức khỏe”, là vấn đề lớn đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Với nhà tâm lý học Michal Strahilevitz, vị chuyên gia cho rằng việc nạp 1 lượng thức ăn khổng lồ vào cơ thể, trong đó có nhiều thực phẩm sống không chỉ gây ra những vấn đề về sức khoẻ thể chất mà còn cả về sức khoẻ tâm lý. Người thực hiện các clip có thể đối mặt với vấn đề tăng cân mất kiểm soát, mặc cảm về ngoại hình và khép mình với các mối quan hệ trong xã hội. Do đó, nhà tâm lý học khuyến cáo các nhà sáng tạo nội dung nên cân nhắc trước khi làm clip để để bảo vệ sức khoẻ. Với người xem, việc xem quá nhiều clip mukbang sẽ hướng người xem đến các hành vi ăn uống phản khoa học.
Trào lưu mukbang kinh dị lan sang Việt Nam. Ảnh chụp màn hình
Nhận định nguy cơ các clip mukbang độc hại sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã phải ra thông báo “xây dựng những phương hướng phát triển cho chương trình phát sóng trên Internet về mukbang, nhằm cải thiện hành vi ăn uống của người dân và xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ hơn”. Với Trung Quốc, BBC thông tin chính quyền Trung Quốc đã công bố chiến dịch “Đĩa sạch” nhằm kêu gọi chống lãng phí thực phẩm. Chiến dịch “Đĩa sạch” ra đời nhằm nâng cao nhận thức người dân về an ninh lương thực. Các video mukbang thừa thãi đồ ăn bị coi là đi ngược lại chủ trương. Đài CCTV của Trung Quốc còn thực hiện nhiều chương trình phê phán người làm mukbang, kêu gọi điều chỉnh hành vi để không lãng phí thức ăn. Trên các trang web, clip mukbang xuất hiện thông điệp màu vàng cảnh báo người xem. Ngoài ra, các nền tảng phát video của Trung Quốc còn làm mờ clip ăn uống. Về lâu dài, cách làm này có thể khiến các video mukbang sụt giảm lượt xem đáng kể, khán giả cũng giảm hứng thú.
Nhiều chuyên gia nhận định, các công ty công nghệ vào cuộc. Khi khán giả tìm kiếm các từ khóa để xem mukbang như “chương trình ăn uống” hay “livestream ăn uống”, các nền tảng này phải những ghi chú cảnh báo; thậm chí nghiêm cấm những clip mukbang phản cảm. Tại Việt Nam, các nền tảng cần quan tâm đến người xem hơn, sẵn sàng phát cảnh báo, chặn khi những clip này xuất hiện. Bản thân người xem cũng cần nhận thức rõ ràng về tác hại của những clip mukbang không lành mạnh, tránh làm theo để bảo vệ sức khoẻ.
NAM ANH