Nghĩa Đàn là huyện trung du miền núi nằm về phía Bắc tỉnh Nghệ An, có đồng bào DTTS chiếm 30,13%, riêng dân tộc Thổ chiếm 18,21%. Người Thổ đã định cư, sinh sống lâu đời tại các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Lạc, Nghĩa Thọ và hiện còn lưu giữ nhiều tri thức bản địa có tiềm năng trong khai thác phát triển du lịch như y học dân gian, ẩm thực, thủ công truyền thống, dân ca dân vũ…
Trước thực tế đó, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, đã chọn xã Nghĩa Lợi để xây dựng mô hình du lịch văn hóa dân tộc Thổ nhằm khai thác các giá trị văn hoá bản địa của đồng bào dân tộc Thổ vào hoạt động du lịch. Xây dựng điểm đến tham quan đầu tiên của người Thổ Nghệ An trong hệ thống tour du lịch miền Tây Nghệ An.
Đến với xã Nghĩa Lợi, du khách được trải nghiệm không gian văn hóa, nghề đan võng gai truyền thống; thưởng thức làn điệu dân ca, dân vũ và những món ăn đặc sản của đồng bào Thổ…
Giao lưu văn hóa văn nghệ với bà con người Thổ ở xã Nghĩa Lợi huyện Nghĩa Đàn. Ảnh Internet.
Bà Nguyễn Thị Minh Tú, Giám đốc Trung tâm Khoa học, xã hội và nhân văn, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Lan Phương
Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An triển khai xây dựng mô hình văn hóa du lịch của đồng bào dân tộc Thổ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn để gìn giữ phát triển những hoạt động văn hoá và những sản phẩm du lịch của vùng đồng dân tộc Thổ. Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, các giảng viên dạy về du lịch, các công ty du lịch, lữ hành nêu ý kiến, kết nối, hỗ trợ cho bà con hoàn thiện các gói sản phẩm du lịch.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Hiếu, Trung tâm Khoa học, xã hội và nhân văn, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, cho biết địa điểm chọn xây dựng mô hình là xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn, nơi có đa số đồng bào Thổ sinh sống. Mô hình tập trung xây dựng việc nâng cao nhận thức cộng đồng, kỹ năng làm du lịch về tri thức dân ca, dân vũ; khai thác nghề đan võng sử dụng từ cây gai của đồng bào Thổ; sử dụng những bài thuốc dân gian để du khách trải nghiệm…
Các đại biểu đã đưa ra các yếu tố thuận lợi và khó khăn trong việc đưa các yếu tố văn hoá đồng bào Thổ xã Nghĩa Lợi vào xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Nhiều ý kiến chia sẻ các định hướng, giải pháp để mô hình du lịch cộng đồng dân tộc Thổ phong phú và thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.
Ông Lê Thái Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, nhấn mạnh huyện luôn quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa và tri thức bản địa truyền thống của người Thổ và luôn đồng tình, ủng hộ, cũng như chỉ đạo phòng Kinh tế hạ tầng, phòng Văn hoá Thông tin đồng hành trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm phát triển mô hình phát triển du lịch văn hoá cộng đồng này.
Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch là hướng đi phù hợp với sự phát triển bền vững miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc nâng cao công tác tuyên truyền, cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo người dân nâng cao chất lượng dịch vụ, có phương pháp truyền thông quảng bá tốt… sẽ giúp mô hình du lịch văn hoá dân tộc Thổ phát triển nhằm mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa.
Nhiều ý kiến tại hội thảo, đã đề cập đến sự cần thiết phải bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Thổ, các giá trị văn hóa đặc trưng như kiến trúc nhà ở, bản sắc âm nhạc, ẩm thực và các tri thức bản địa để khai thác và phát triển du lịch cộng đồng. Quan tâm đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, hướng tới tính chuyên nghiệp; chủ động kết nối và truyền thông, quảng bá để thu hút khách du lịch.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh rằng, để thực hiện thành công mô hình du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Thổ, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự đồng lòng, đoàn kết của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng; xác định đúng khách hàng mục tiêu để phục vụ hợp lý; thống nhất quy hoạch về điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng; liên kết các điểm đến liên xã và liên huyện, tạo thành tour du lịch với các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn./.
Diêm Giang