Cụ thể, giá dầu Brent giảm 2,64 USD, tương đương 3,4%, xuống mức 76,18 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ chốt phiên ở mức 70,77 USD/thùng, giảm 3,04 USD.
Nguồn cung gia tăng và sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất khác đã khiến Saudi Arabia giảm 2 USD giá bán dầu thô Arab Light kỳ hạn tháng 2.2024 sang châu Á, xuống mức thấp nhất trong 27 tháng.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận xét quyết định giảm giá của Saudi Arabia làm tăng mối lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc cũng như nhu cầu toàn cầu.
Kết quả cuộc khảo sát của Reuters hôm 5.1 cho thấy sản lượng của OPEC tăng trong tháng 12.2023 bởi sự gia tăng sản lượng ở Angola, Iraq và Nigeria cũng là nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc.
Theo các nhà phân tích, sự tăng sản lượng này diễn ra trước các đợt cắt giảm tiếp theo của OPEC+ trong quý I.2024 và khi Angola bắt đầu rời OPEC từ năm nay. Những yếu tố này sẽ làm giảm sản lượng và thị phần trong tháng 1.
Nhà phân tích Tony Sycamore của IG cho biết, nếu chỉ tập trung vào các yếu tố bao gồm tồn kho cao hơn, sản lượng của OPEC và OPEC+ cao hơn và giá bán dầu của Saudi Arabia thấp hơn dự kiến thì giá dầu thô sẽ giảm.
Hạn chế đà trượt dốc của giá dầu là tuyên bố tình trạng bất khả kháng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya tại mỏ dầu Sharara, nơi có thể sản xuất tới 300.000 thùng/ngày. Tình trạng bất khả kháng này có hiệu lực từ 7.1.
Bên cạnh đó, trong nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ở Gaza lan rộng ra toàn khu vực, ngày 8.1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có nhiều cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Arab.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 9.1 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.186 đồng/lít; xăng RON 95-III không quá 22.148 đồng/lít; dầu diesel không quá 19.788 đồng/lít; dầu hỏa không quá 20.457 đồng/lít; dầu mazut không quá 15.685 đồng/kg.