Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) được khảo sát từ hơn 1.400 thành viên EuroCham do Decision Lab thực hiện vừa công bố sáng nay (8/1) cho thấy, quý IV/2023 chứng kiến mức độ hài lòng của các doanh nghiệp tăng lên rõ rệt.
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh. (Nguồn: TTXVN) |
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại đã tăng từ 24% trong quý III/2023 lên 32% trong quý IV/2023.
Triển vọng cho quý I/2024 rất tích cực với 29% doanh nghiệp đánh giá triển vọng là xuất sắc hoặc tốt, 31% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động và 34% có ý định tăng mức đầu tư.
Cũng theo báo cáo, trong quý IV/2023, vị thế điểm nóng đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể. 62% số người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó, 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất.
Ngoài ra, 53% số người được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý IV và 29% người được hỏi xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cạnh tranh hàng đầu” trong ASEAN.
Theo Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng tăng, du lịch cũng hồi phục mạnh mẽ.
“Sự chú ý toàn cầu về Việt Nam như một điểm đến hàng đầu dành cho doanh nhân và khách du lịch cũng báo hiệu sự phục hồi kinh tế trên diện rộng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thận trọng. Chỉ số BCI vẫn ở dưới mức trung bình và hơn 1/3 số doanh nghiệp dự đoán sẽ hoạt động kém hiệu quả”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.
Tương tự, ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc Decision Lab nhận định, quỹ đạo kinh tế dài hạn của Việt Nam cho thấy con đường tăng trưởng đầy hứa hẹn.
“Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam đang thể hiện khả năng mang tính thương hiệu của mình trong việc mang lại môi trường kinh doanh ổn định. Sự ổn định và tiềm năng cải thiện vào năm 2024 sẽ là cơ sở cho việc Việt Nam tiếp tục nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Thue Quist Thomasen nêu.
Về lực lượng lao động tại Việt Nam, cuộc khảo sát cho thấy 32% số người được hỏi cho rằng lực lượng lao động đã có trình độ khá tốt, nhưng vẫn cần cải thiện kỹ năng và chuyên môn. Ngoài ra, 50% đánh giá mức độ sẵn có của lực lượng lao động ở mức vừa phải, phản ánh thách thức trong việc tìm kiếm ứng viên đủ tiêu chuẩn.
Báo cáo cho rằng, những kết quả này cho thấy việc phát triển và đào tạo lực lượng lao động là cần có để có thể nâng cao trình độ và tính sẵn sàng và đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Về những thách thức pháp lý, 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong 3 rào cản hàng đầu.
Đồng thời, các doanh nghiệp châu Âu lo ngại về vấn đề bảo đảm giấy phép, thiếu chuyên gia địa phương có trình độ chuyên môn cũng như những khó khăn trong các quy định về thị thực, giấy phép lao động đối với người nước ngoài.
Theo Chủ tịch EuroCham, trước sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược của mình để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu.
Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.